Nông sản sang EU có mức ‘nhạy cảm số 1’ về phòng vệ thương mại

22/08/2020 10:03 GMT+7

Thông tin trên được nhấn mạnh trong báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tại Hội nghị tập huấn về phòng vệ thương mại khi thực thi Hiệp định AVFTA do Bộ Công thương tổ chức ngày 21.8.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản sang EU tuy không lớn như các nhóm hàng điện tử, điện thoại, dệt may… nhưng nông thủy sản có mức “nhạy cảm số 1” với EU vì EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp. Hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng hơn 2 tỉ USD và thủy sản là 1,25 tỉ USD. Với mặt hàng gỗ, năm 2019 Việt Nam xuất khẩu trên 6 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó EU là thị trường lớn thứ ba và gỗ cũng là mặt hàng EU thường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, do trong 25 nước thành viên EU, có những quốc gia chuyên sản xuất đồ cao cấp, nhưng cũng có quốc gia sản xuất các sản phẩm thông thường. Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, chỉ cần 1 - 2 nước bị ảnh hưởng, EU sẽ sẵn sàng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất bằng mọi giá.
Ngoài ra, cũng theo cơ quan này, một số mặt hàng xuất khẩu khác có nguy cơ bị áp biện pháp phòng vệ thương mại rất lớn. Sau nông lâm thủy sản là nhóm hàng thép do mặt hàng này EU bảo hộ mạnh. Kế đó là mặt hàng xe đạp. Cục Phòng vệ thương mại cho biết, cơ quan này đã nhận được khá nhiều thông tin từ đại diện của phái đoàn EU tại Việt Nam đề nghị làm rõ tình trạng xuất khẩu đồ gỗ, xe đạp sang EU. Trong đó đề nghị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đưa ra cảnh báo về việc xuất khẩu đang tăng nhanh. Một số doanh nghiệp của EU cho rằng hàng hóa của Việt Nam đã gây thiệt hại cho sản xuất của họ.
Tiếp theo là giày dép - nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vào EU tương đối lớn. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam chủ yếu đến từ Đài Loan, Trung Quốc để gia công cho các thương hiệu giày của EU và Mỹ. Nếu bị áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này buộc phải di dời nhà máy sang nước khác để né thuế thì hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam sẽ bị mất việc. Do đó, theo Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam vẫn cần lưu tâm và ngăn chặn nguy cơ EU áp dụng phòng vệ thương mại đối với giày dép của Việt Nam.
Cuối cùng là các mặt hàng liên quan tới dệt may. Hiện sợi là mặt hàng tương đối nhạy cảm tại EU và đã bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp khá nhiều. Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, khi EVFTA được thực thi, với lợi thế về thuế, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư sản xuất sợi tại Việt Nam để xuất khẩu sang EU, khi đó mặt hàng sợi sẽ dễ bị nằm trong nhóm nguy cơ cao bị EU áp dụng phòng vệ thương mại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.