Loạt công ty “toàn cầu” với số vốn từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỉ đồng
Tìm hiểu thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong một ngày 20.5, đã có 3 công ty được đăng ký thành lập có tên na ná nhau, rất dễ nhầm lẫn và cùng người có tên Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) làm đại diện pháp luật.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Công nghệ tự động toàn cầu (Auto Investment Group) với vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng (trụ sở chính tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, đường Hải Triều, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), ngành chính là lập trình máy tính;
Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu với vốn điều lệ 25.000 tỉ đồng (địa chỉ tại tầng 72, tòa nhà Landmark 81, số 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ngành chính lập trình máy tính (chi tiết: sản xuất phần mềm);
Công ty cổ phần Tập đoàn Công cụ tự động toàn cầu (tên viết tắt GAT, địa chỉ tại 109 Đường số 3, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) với vốn điều lệ 50 tỉ đồng, ngành chính là lập trình vi tính (chi tiết: sản xuất phần mềm).
3 công ty trên, ngoài đăng ký ngành chính, còn có các ngành đăng ký kinh doanh khác như sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, tư vấn, xử lý dữ liệu và quản trị hệ thống máy vi tính…
Kế đó, ngày 28.5, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cũng đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần Tập đoàn quà tặng cao cấp toàn cầu (tên viết tắt GLG, địa chỉ tại 109 Đường số 3, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Ngành kinh doanh đăng ký chính của doanh nghiệp này là bán buôn đồ dùng khác cho gia đình như bán buôn vali, cặp, túi, ví, phụ kiện, hàng da và giả da khác; bán buôn dược phẩm và dụng cụ y tế; bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh; bán buôn đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường và đồ trang sức; bán buôn đồ điện gia dụng, đèn và bộ đèn điện; bán buôn giường, tủ, bàn ghế và đồ dùng nội thất tương tự; bán buôn đồ dùng khác cho gia đình chưa được phân vào đâu.
Như trò đùa luật Doanh nghiệp
Với số vốn đăng ký lên đến 500.000 tỉ đồng của doanh nghiệp Auto Investment Group, theo các chuyên gia tài chính, đây là một điều chưa từng có ở Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Việt Nam từ ngành ngân hàng, viễn thông, bất động sản đến dịch vụ, sản xuất… đều chưa có doanh nghiệp nào có vốn “vượt mặt” doanh nghiệp mới thành lập này.
Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đến nay cũng có vốn điều lệ 121.520 tỉ đồng; Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vốn 117.175 tỉ đồng. Hay như ngân hàng lớn như Vietcombank vốn điều lệ cũng khoảng 37.000 tỉ đồng, vốn hóa thị trường hơn 360.000 tỉ đồng. Hoặc tập đoàn tư nhân lớn là VinGroup có vốn điều lệ hơn 34.000 tỉ đồng, vốn hóa trên thị trường gần 400.000 tỉ đồng. VinGroup hiện dẫn đầu tốp 5 doanh nghiệp có số vốn hóa lớn nhất thị trường, nhưng cũng không “qua mặt” được vốn điều lệ của “siêu doanh nghiệp" mới thành lập này.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét, một số tập đoàn kinh tế, tài chính lớn thế giới có thể có số vốn lớn như vậy song rất ít. Tại Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp đăng ký thành lập với con số khủng thế này.
“Tất nhiên, ai cũng có quyền thành lập doanh nghiệp nếu có vốn, không vi phạm pháp luật và đáp ứng những điều kiện của luật quy định. Thao tác đăng ký qua mạng cũng đơn giản nên việc đăng ký thế nào là quyền của các chủ thể. Tuy nhiên, với con số 500.000 tỉ đồng mà nói khơi khơi làm lập trình vi tính, tôi thấy như trò đùa luật Doanh nghiệp, vốn thoải mái, cởi mở và tạo mọi điều kiện cho người dân thành lập doanh nghiệp. Không thể nào có số tiền mặt lớn như vậy để đăng ký mà không có vấn đề được”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định và cho rằng, khi chưa góp vốn bằng “tiền tươi thóc thật” thì những con số đó vẫn chỉ nằm trên giấy, không có ý nghĩa gì.
Thế nên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khá cẩn trọng khi chưa đưa con số vốn đăng ký đó vào bảng thống kê vốn đăng ký mới trong tháng 5. “Tôi hoàn toàn đồng ý việc nhất thiết phải có sự giám sát của cơ quan quản lý trong quá trình góp vốn này, thậm chí có sự phối hợp giám sát của các cơ quan chức năng khác, không chỉ ngành đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, để những trường hợp này xảy ra, nếu không có đồng tiền nào thực tế vào thị trường thì chính người đăng ký thành lập doanh nghiệp này đã khá coi thường luật pháp kinh doanh tại Việt Nam. Nếu những con số đó được đưa vào số liệu thống kê, có phải sẽ khiến bức tranh kinh tế bị méo mó đi không. Có thể còn quá sớm để nói trách nhiệm của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, cũng cần xem xét động cơ. Nếu có nguồn tiền thực, việc điều tra tìm hiểu nguồn gốc của nguồn tài chính khủng cũng cần đặt ra”, vị này nêu quan điểm.
Bình luận (0)