Theo nguồn tin của Thanh Niên, một hợp đồng đào tạo phi công cơ bản của Vietnam Airlines (VNA) tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) kéo dài 72 tuần, với chi phí đào tạo lên tới 1,75 tỉ đồng. Chi phí này trước năm 2013 do VNA hỗ trợ cho phi công và sau năm 2013, phi công phải tự túc chi phí đào tạo.
Ngoài ra, để được bay chính thức, phi công sẽ phải đào tạo và qua sát hạch thi chuyển loại. Một phi công đào tạo chuyển loại lên A330 tại Trung tâm huấn luyện China Airlines (Đài Loan, Trung Quốc) trong 9 ngày đã hết chi phí tới 187 triệu đồng với cam kết thời gian làm việc tối thiểu cho VNA là 6 năm.
Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng, phi công sẽ phải đền bù toàn bộ chi phí đào tạo cho hãng (trừ một phần chi phí thời gian làm việc sau đào tạo), nếu cộng dồn cả chi phí đào tạo cơ bản và chuyển loại, mức đền bù có thể lên tới 2 - 3 tỉ đồng. Dù VNA đã tăng lương từ giữa năm 2018 nhưng cũng không ngăn được cuộc “chảy máu” nhân lực phi công của hãng. Không chỉ VNA, Vietjet Air cũng bị lôi kéo phi công khi các hãng mới ra liên tục đưa ra mức lương cạnh tranh và hấp dẫn hơn.
Chớp cơ hội từ cơn khát nhân lực phi công của VN và thế giới, cả 2 hãng hàng không mới là Bamboo Airways và Vinpearl Air đều đã thành lập viện đào tạo nhân lực hàng không. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không VN, các cơ sở đào tạo phi công VN vẫn chưa đủ điều kiện đào tạo độc lập, phải hợp tác với nước ngoài. Những cảnh báo thiếu hụt phi công và cạnh tranh không lành mạnh liên tục được Cục Hàng không VN, Bộ GTVT phát ra. Dự kiến, các hãng hàng không năm 2020 sẽ thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kỹ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kỹ thuật viên. Năm 2025, ngành hàng không cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kỹ thuật.
Phi công "nhảy việc" còn dẫn đến gia tăng tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng. Chưa kể, nhân lực giám sát của Cục Hàng không VN cũng chưa đáp ứng được yêu cầu trước tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không hiện nay. Năm 2025, Cục Hàng không VN cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn.
Đặc biệt, áp lực quá tải hạ tầng lên các sân bay căn cứ là Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang rất lớn. Cụ thể, Tân Sơn Nhất quá tải 30%, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vượt công suất 20%, sân bay Đà Nẵng quá tải 13%.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty hàng không VN (ACV), cho rằng vấn đề không phải sự ra đời của nhiều hãng hàng không sẽ đè thêm gánh nặng lên các cảng mà chính hạ tầng quá tải đang áp lực trở lại chủ trương mở rộng bầu trời, tăng hãng, tăng tàu bay nhiều sân bay. Về cơ bản, việc quyết định tăng thêm hãng bay, tăng số lượng đội tàu bay ngay từ khi Cục Hàng không VN xem xét đã phải tính toán đồng bộ, phù hợp với hạ tầng trong quy hoạch. Khả năng hạ tầng cung ứng đến đâu, nhà nước sẽ quyết định mở rộng bầu trời đến đó.
Bình luận (0)