Phí vô lý vẫn khó điều chỉnh

16/05/2018 11:04 GMT+7

Đây là thực tế mà các doanh nghiệp thủy hải sản vẫn đang phải gánh chịu trong gần một năm rưỡi qua.

Tốn cả tỉ đồng mỗi năm cho 1 loại phí
Luật Phí và lệ phí 2015 có hiệu lực từ 1.1.2017 nhưng từ năm 2016, Bộ Tài chính ra 4 thông tư quy định mức phí công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu 350.000 đồng/lô hàng; phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP công bố lần đầu là 500.000 đồng/lần/sản phẩm (công bố lại là 300.000 đồng/lần/sản phẩm); phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác 700.000 đồng/lần... Theo các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản, mức phí này quá cao, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của họ. Một DN sản xuất cá tra ở ĐBSCL cho biết, chỉ riêng phí kiểm tra lấy mẫu cũng "ngốn" của DN hơn 1 tỉ đồng/năm. Với các DN nhỏ cũng tốn cả trăm triệu đồng/năm. Đáng nói theo vị này, cơ quan chức năng chỉ đưa ra những mức phí mà không giải thích được cơ sở tính toán cụ thể để chứng minh có con số đó là hợp lý. "Các mức phí cần được tính toán trên cơ sở thực tế, phù hợp để không trở thành gánh nặng cho DN. Nên điều chỉnh phí “thẩm định hồ sơ” không quá 200.000 đồng/lần cho công bố lần đầu và không quá 100.000 đồng/lần đối với công bố lại; phí xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác không quá 200.000 đồng/lần...", vị này kiến nghị.
Gian nan điều chỉnh
Giữa tháng 3.2017, cộng đồng DN thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã tổ chức đối thoại với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đại diện Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế xung quanh các nội dung trên. Đến đầu tháng 9.2017, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 286, theo đó điều chỉnh mức thu 350.000 đồng xuống còn 200.000 đồng/lô hàng; phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có mức thu chung là 30.000 đồng/lần/người. Dự thảo sửa đổi Thông tư 279 cũng điều chỉnh phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố quy định ATTP từ 500.000 đồng xuống còn 200.000 đồng/lần/sản phẩm trong lần công bố lần đầu và công bố lại sẽ giảm xuống còn 100.000 đồng/lần/sản phẩm.
“Tuy nhiên từ đó đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho các DN thủy hải sản”, công văn kiến nghị mới đây của VASEP cho hay.
Một DN lớn tại ĐBSCL bức xúc: Sau 7 tháng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn điều chỉnh là quá chậm trễ. Các mức phí này đã và đang làm tăng chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường thế giới. “Giữa tháng 5.2017, Thủ tướng đã tuyên bố năm nay là năm giảm phí cho DN. Chúng tôi đã kiến nghị, cung cấp bằng chứng về sự vô lý của hàng loạt loại phí khác nhau, vậy mà tới nay vẫn chưa có chuyển biến gì”, vị này chua chát nói.
Ngày 19.5.2017, Báo Thanh Niên có bài Cá, tôm gánh cả phí nghỉ đêm của cán bộ phản ánh tình trạng DN thủy sản phải gánh nhiều mức phí quá cao và không rõ ràng.
Ngày 23.5.2017, ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) cho biết Nafiqad đã gửi văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 286/2016/TT-BTC theo hướng giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ 350.000 đồng/lô hàng xuống còn 200.000 đồng/lô hàng; phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ 50.000 đồng/lần/người giảm xuống còn 30.000 đồng. Thế nhưng đã 1 năm trôi qua, các DN thủy sản vẫn phải gồng mình gánh phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.