Điều này giúp tái cơ cấu ngành nông sản, chuyển từ xuất thô sang các sản phẩm chế biến giá trị cao.
Thanh long, sầu riêng... đều gây “bão”
Giữa cái nắng chói chang ở Sài Gòn vào mùa khô, trong khi hầu hết các hàng quán vắng vẻ vì dịch bệnh Covid-19 thì hệ thống cửa hàng bánh mì ABC (Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu) vẫn nườm nượp người mua hàng. Đa số đều tìm mua bánh mì thanh long ruột đỏ. Loại bánh mì độc đáo này là tác phẩm của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực, ông chủ Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á. Trước tình trạng nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là thanh long bị ùn ứ, không xuất khẩu được do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chỉ trong 3 ngày, ông Lực đã cùng đội ngũ nhân viên nghiên cứu thử nghiệm xong công thức bánh mì thanh long ruột đỏ, tung ra thị trường để góp phần giải cứu cho bà con nông dân.
Tại cửa hàng số 225 - 227 Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), gần 20 người xếp hàng trước cửa tiệm chờ mẻ bánh mì thanh long sắp ra lò. Áo chống nắng, khẩu trang bịt kín mít, có nhiều người vẫn đội nguyên nón bảo hiểm, chỉ chờ tới lượt, gọi mấy cái bánh mì thanh long rồi đi ngay. Hơn 15 phút quan sát, chúng tôi ghi nhận khách hàng ra vào liên tục.
Trong khi đó, tại cửa hàng bánh mì ABC trên đường Hoàng Diệu (Q.4), mới 9 giờ sáng vào hỏi, nhân viên đã báo hết hàng bánh mì thanh long. Người này cho biết cửa hàng mở bán vào khoảng 5 giờ sáng thì tới 6 - 7 giờ là kệ bánh mì thanh long hết sạch. Khoảng 4 giờ chiều bánh mì về tiếp nhưng cũng chỉ 1 - 2 tiếng sau là hết hàng. “Khoảng 2 tuần qua, từ ngày bánh mì thanh long chính thức ra lò, cửa hàng ngày nào cũng tấp nập người mua dù đang dịch. Ước tính lượng khách hàng tăng khoảng 30 - 40%, sản phẩm bán chủ yếu vẫn là các loại bánh mì thanh long ruột đỏ”, nhân viên này nói.
|
Không dừng sáng tạo, vài ngày sau khi bánh mì thanh long “lên cơn sốt” tại TP.HCM, ông Kao Siêu Lực tiếp tục đưa ra thị trường dòng sản phẩm bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri. Với giá cao hơn 4 lần nhưng loại bánh mì này còn được săn đón dữ dội hơn bánh mì thanh long.
Trưa muộn ngày cuối tuần, từng cuộc điện thoại dồn dập gọi đến cửa tiệm bánh mì ABC trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.1). Hầu hết các cuộc gọi đều đặt hàng bánh mì thanh long nhân sầu riêng nhưng nhân viên đều phải cáo lỗi vì hết hàng. “Bọn em chưa biết bao giờ bánh mì sẽ về tới, chắc tầm chiều nhưng mỗi đợt có khoảng vài chục cái thôi nên anh/chị tranh thủ ra mua giúp em”, nhân viên cáo lỗi và dặn dò.
Tiếp tục vang danh thế giới
Sau khi tin tức về loại bánh mì độc đáo này được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội, phóng viên Kate Taylor của Business Insider (Mỹ) đã đến tận nơi để trải nghiệm. Mất tới hơn 20 phút để có được trên tay chiếc bánh mì màu hồng nóng hổi, Kate Taylor bày tỏ thật sự thích thú và đã chia sẻ cảm xúc chân thật trong bài viết của mình: “Chiếc bánh mì màu hồng nổi bật khiến tôi bất ngờ. Mặc dù nó được sáng tạo ra để giải cứu nông sản mùa dịch Covid-19, nhưng nó cũng rất phù hợp để đăng lên Instagram. Loại bánh mì này không phải chỉ để tạo danh tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội mà nó thật sự ngon với lớp vỏ ngoài giòn tan và bên trong thanh mát, đầy hương vị trái cây nhẹ nhàng. Thêm thanh long vào bánh mì có thể là một gợi ý rất tinh tế. Điều này cho thấy sự thích nghi sáng tạo của người Việt trước những tác động của Covid-19, dự kiến dịch sẽ gây thiệt hại kinh tế hàng tỉ USD cho đất nước”.
Nehssik Hgnis (thường gọi là Ken, người Singapore, hiện đang du học tại Úc) cho biết cậu mới được nghe nói về bánh mì thanh long từ một vài du học sinh người Việt cùng trường. Sang TP.HCM cách đây 3 tuần trong một chương trình trao đổi sinh viên, Ken đặc biệt thích ăn bánh mì nên khi nghe tới bánh mì thanh long, cậu đã lập tức nhắn tin cho các bạn người Việt xin hình ảnh và hứa sẽ trở lại TP.HCM sớm để thưởng thức món bánh mì độc đáo này.
Đây không phải lần đầu tiên bánh mì Việt Nam chinh phục được bạn bè quốc tế. Cuối tháng 12.2017, Hãng Frodor’s Travel đưa ra danh sách 10 món ăn đường phố được yêu thích, mang tính biểu tượng vòng quanh thế giới, trong đó bánh mì Việt Nam được nhắc ở vị trí đầu tiên. Đáng nói là món ăn Việt được thế giới vinh danh này có “xuất xứ” từ Pháp, trong quá trình cải biên, người Sài Gòn đã biến baguette (bánh mì từ Pháp) thành một trong những món ăn phổ biến nhất, đa dạng nhất và ngon nhất. Có nhiều cách chế biến nhưng tiêu chuẩn chung của bánh mì đường phố gồm một chiếc bánh mì với nhân gồm thịt (thịt lợn nướng hoặc thịt nguội), dưa leo, rau mùi, cà rốt ngâm, pa tê...
Như vậy, cùng với bánh mì thanh long, bạn bè thế giới không chỉ biết đến TP.HCM là nơi có bánh mì ngon nhất thế giới mà còn cho ra đời những loại bánh mì độc, lạ, đặc sắc nhất, chỉ có tại Việt Nam.
Sắp có bánh mì dưa hấu, bánh mì chuối…
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi trưa 29.2 để gặp gỡ PV Thanh Niên, ông Kao Siêu Lực chia sẻ nhiều về ý tưởng làm bánh mì với các loại trái cây Việt. Việt Nam là xứ nhiệt đới, được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại trái quả ngon, bổ dưỡng. Thế nhưng bao năm qua chủ yếu xuất khẩu thô.
Khi ế thì nông sản đem đổ đồng, bán tháo giá rẻ rất phí công sức người nông dân bỏ ra. Đó là lý do từ lâu ông Lực đã ấp ủ nghiên cứu kết hợp làm bánh với trái cây Việt. “Câu chuyện trái thanh long Việt Nam bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thôi thúc tôi mau chóng biến ý tưởng thành hiện thực. Sau bánh mì thanh long, để công thức làm bánh mì sầu riêng ra đời chỉ mất 2 ngày. Ngay ngày đầu tiên làm thử 300 ổ, bán hết chỉ sau 1 tiếng. Ngày thứ 2 tăng lên 2.000 ổ, bán hết sạch. Đến hôm qua (28.2), làm 3.000 ổ cũng bán hết. Bánh mì thanh long giá 6.000 đồng/chiếc, nhưng bánh mì thanh long - sầu riêng 25.000 đồng/chiếc người tiêu dùng vẫn xếp hàng mua sạch. Qua đây tôi nghiệm ra một điều, quan trọng là biến ý tưởng thành hiện thực, ý tưởng thôi chưa đủ, phải đưa nó vào cuộc sống hằng ngày của mình, như hơi thở vậy”, vua bánh mì chia sẻ.
Ngoài bánh mì thanh long, sầu riêng, ông Lực cho biết đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm của công ty ông đang nghiên cứu làm bánh mì dưa hấu, tỷ lệ thành công đang đạt 80 - 90% và hiện tại chưa dám “tung” ra thị trường do nhà máy đang chạy hết công suất 24/24.
|
“Tôi muốn qua chiếc bánh mì, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, làm sao cho sầu riêng 6 Ri phải nổi tiếng như sầu riêng Musang King của Malaysia. Phải tăng giá trị gia tăng cho nông sản Việt bằng những sản phẩm lấy nguồn nguyên liệu chất lượng, có thương hiệu. Tôi hy vọng trong năm nay có thể cho ra đời sản phẩm bánh trung thu sầu riêng 6 Ri xuất khẩu, rồi bánh mì chuối bằng công thức độc đáo khác”, ông Lực bộc bạch và cho biết đối tác Nhật Bản của công ty đã đặt hẹn sang gặp ông tháng 4 này để xuất khẩu bánh mì thanh long sang Nhật.
Thực tế, trước khi bánh mì thanh long xuất hiện và “gây bão”, nhiều DN Việt cũng đã thành công khi nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm bún, bánh tráng, bánh phở, mì sợi... kết hợp các loại rau củ.
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods) cho biết, công ty đã làm các sản phẩm mì sợi cà rốt, củ dền, thanh long, cải bó xôi, mè đen, bún chùm ngây, bún hoa đậu biếc… xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật. Trong dịp “giải cứu” dưa hấu, thanh long vừa qua, Duy Anh Foods cũng đã nghiên cứu làm mì thanh long và bún dưa hấu.
“Hiện doanh số của chúng tôi 80% đến từ xuất khẩu, 20% bán trong nước. Chúng tôi đặt tham vọng phải làm được nhiều sản phẩm từ các nông sản của mình, như phở dưa hấu, phở khoai lang, chuối... Với chuối, do vị ngọt nhiều nên công thức chưa đạt nếu làm bún, nhưng chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và rất hy vọng sẽ thành công”, ông Toàn thông tin.
Bình luận (0)