Phó thủ tướng: Nợ nước ngoài của doanh nghiệp gia tăng, phải giám sát ‘từng ông’

09/08/2019 16:57 GMT+7

Tổng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đang giảm xuống, nhưng nợ nước ngoài ở diện doanh nghiệp tự vay, tự trả đang tăng nhanh.

Trong khi tổng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đang giảm xuống thì số nợ vay quốc tế của các doanh nghiệp lại tăng nhanh.

Không bảo lãnh cho dự án nào vay nước ngoài năm 2018

Sáng 9.8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Uỷ ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành là 13,0%/năm trong cùng giai đoạn.
Nguyên nhân do các khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bắt nguồn từ nhu cầu vốn tăng cao của các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2017, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP ở mức 48,9%, sát với ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép.
Đến hết năm 2018, tổng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP giảm xuống còn khoảng 46%, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ còn 19,3% GPD, nợ Chính phủ bảo lãnh còn 4,4% GDP, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp còn 22,3% GDP.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, với các số liệu trên thì chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp.
Nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm. Năm 2018, Chính phủ đặt ra hạn mức bảo lãnh vay nợ 700 triệu USD nhưng đã không bảo lãnh vay quốc tế dự án nào mà ưu tiên vay vốn trong nước khi trong nước có khả năng và có lợi về lãi suất hơn.

Khối FDI chiếm 76% vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Tuy nhiên, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.
Phó thủ tướng cho rằng, việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của doanh nghiệp), tập trung ở một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn.
“Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia”, Phó thủ tướng nói.
Để bảo đảm an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài của quốc gia nói riêng, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định của pháp luật như luật Quản lý nợ công, các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ về nợ công nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nói chung.
Trong việc xây dựng kế hoạch nợ nước ngoài quốc gia và khả năng trả nợ trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật quản lý nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư được yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể đầu tư nước ngoài, nhất là dự án lớn trên tổng nguồn vốn đầu tư; tác động của điều kiện vay nước ngoài tới mục tiêu tăng trưởng và thu hút FDI; chủ trì đề xuất khắc phục tình trạng vốn mỏng trong các dự án luật sửa đổi bổ sung luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp và luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.