PVN đang như 'người khổng lồ thiếu máu'

19/07/2019 07:56 GMT+7

Hôm qua (18.7), Tạp chí Cộng sản cùng Ban Kinh tế T.Ư đã tổ chức hội thảo khoa học “Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - vai trò của ngành dầu khí”.

TS Nguyễn Hồng Minh, Phó viện trưởng Viện Dầu khí VN, đã khiến giới chuyên gia có mặt tại hội thảo không khỏi ngỡ ngàng khi ví Tập đoàn dầu khí VN (PVN) hiện như “người khổng lồ thiếu máu”. “Khổng lồ là vì có tổng tài sản rất lớn. Nhưng thiếu máu là đang bị xiềng xích bởi các quy định, rào cản thủ tục đầu tư hiện nay khiến hoạt động của ngành rất khó khăn. Đặc biệt là tỷ lệ dự trữ hiện nay của ngành dầu khí đáng báo động”, ông Minh nói. Thế nhưng theo ông Minh, báo động thì phải hành động khẩn cấp, trong khi việc tháo gỡ các rào cản này thì “chưa có hành động tương xứng với tình trạng báo động”.
Số liệu của PVN cho biết, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác đạt hệ số an toàn trong giai đoạn 2011 - 2015 là 1,5 lần, nhưng đã suy giảm tới mức đáng lo ngại vào năm 2016 khi chỉ còn 0,65 lần, và tiếp tục giảm xuống mức nguy hiểm là 0,17 lần vào năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 0,13 lần - mức báo động đối với công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, thời kỳ trước, trung bình một năm PVN thu hút khoảng 2 tỉ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để thăm dò, khai thác, song hiện tại con số này chỉ vài trăm triệu USD. Trong khi đó, đến nay, sau 3 năm, nghị định quy chế tài chính của PVN vẫn chưa được ban hành (Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo) nên có tiền (quỹ thăm dò khai thác) cũng không thể dùng đến. “Mà với ngành dầu khí không thăm dò thì làm sao có thể gia tăng trữ lượng. Thời kỳ trước PVN hút 1 tấn dầu thì gia tăng trữ lượng cũng phải 1,5 đến 2 lần. Còn chúng tôi hiện nay hút 1 nhưng chỉ bù đắp 0,3 - 0,4, nên nói thẳng là PVN đang ăn vào công sức của ngày trước”, ông Thanh nói. Theo ông Thanh, mặc dù Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị (năm 2017) về chiến lược phát triển ngành dầu khí là rất trúng, rất hay, mục tiêu không thay đổi nhưng khi xuống dưới thực hiện thì giải pháp chưa có gì, thậm chí các luật, quy định còn trói buộc. “Pháp luật, thể chế với chúng tôi hiện nay chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc 18 đôi mươi, thế nhưng chúng tôi giờ đã là gái lỡ thì rồi thì ai mà người ta đến”, ông Thanh so sánh.
Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, để thực hiện đúng phương châm năng lượng phải đi trước một bước thì với ngành dầu khí, thăm dò khai thác phải đi trước. Thế nhưng vướng mắc hiện nay là không thể hạch toán chi phí rủi ro của thăm dò vào đâu bởi quỹ thăm dò khai thác đã hết (đang chờ nghị định về quy chế tài chính). "Đặc biệt hơn, với ngành dầu khí, nếu thượng nguồn mà chậm thì ảnh hưởng rất lớn đến các khâu sau, trung nguồn và hạ nguồn như chế biến, sản xuất điện, xăng dầu. Cho nên không thể cắt khúc được, không thể ứng xử việc thực hiện một dự án năng lượng như xây một nhà máy bia. Các dự án năng lượng không thể dừng, vì dừng bây giờ đến vài năm sau là chết”, ông An nói.
Trong thông báo kết luận sau cuộc họp về cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi chiều 17.7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính cần sớm ban hành nghị định về quy chế tài chính của PVN để sớm tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động của tập đoàn. Phát biểu tại cuộc họp nói trên, Phó thủ tướng đã phê bình và truy trách nhiệm Bộ Tài chính khi để nghị định này quá chậm. Ông Huệ cho biết sẽ yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, hiện dự thảo nghị định đã được gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành song cơ quan chưa nhận lại được ý kiến của Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.