Quản lý bó tay, doanh nghiệp khổ vì hàng giả

27/11/2018 20:42 GMT+7

Một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản đã nêu câu hỏi trên với các cơ quan quản lý tại Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0 được tổ chức tại TP.HCM hôm nay (27.11).

Diễn đàn chống hàng giả do Công ty Vina CHG phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức nhân Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29.11.
Cán bộ quản lý thị trường phụ trách đến… 3.000 doanh nghiệp(?!)
Vị này nêu vấn đề, chỉ vài lạng hàng cấm, nếu đưa vào bị phát hiện ngay lập tức, nhưng hàng giả các thương hiệu Việt, hàng kém chất lượng chất trên ô tô, trên xe tải chạy ùn ùn vào TP.HCM nhưng không hiểu vì sao các đơn vị quản lý thị trường không phát hiện. Thậm chí, hàng giả được sản xuất ngay trong xóm ì xèo ngày đêm trong thời gian dài cũng không ai phát hiện.
Trả lời câu hỏi này, ông Trương Văn Ba - Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, hàng giả đổ về Việt Nam nhiều do địa hình, biên giới giáp các nước là vùng sông. Cư dân sống ven biên giới thường không có công ăn việc làm, dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng thuê mang vác hàng lậu nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Tại TP, do lực lượng quản lý thị trường còn quá mỏng. Trung bình, một cán bộ quản lý thị trường phải phụ trách đến 3.000 doanh nghiệp, riêng việc đi thăm viếng lấy thông tin trong một năm cũng không hết nên không thể kiểm tra xuể.
Đại diện bugi NGK cho rằng, hàng giả chủ yếu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam Ng.Ng
Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang Nón Sơn kể : Đã 10 năm đồng hành với cơ quan chống hàng giả, hàng nhái, nhưng nón Sơn vẫn bị làm giả nhiều quá.Hàng giả, không tốn chi phí thương hiệu, chất lượng kém nhưng cứ vậy phát triển. Trong khi doanh nghiệp chính hãng lại chạy theo các đợt phát hiện vụ làm giả này đến vụ làm giả khác, không thấy hiệu quả, toàn loay hoay tìm giải pháp…
“Vấn nạn hàng giả đã “vỡ trận” rồi, không ai quản nổi. Lực lượng quản lý mỏng, không có sự phối hợp các cấp đồng bộ”, ông Tý chán nản nói.
Đại diện Nón Sơn hướng dẫn cho khách phân biệt nón giả và thật Ng.Ng
Bà Phạm Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mỹ phẩm Anh Đào cho biết, giới làm hàng giả còn đầu tư thiết bị hiện đại hơn cả doanh nghiệp làm hàng chính hãng, công khai tiếp thị, bán hàng giá rẻ hơn… Nếu bị phát hiện, xử phạt hành chính cũng quá ít, nên không ai sợ. “Hàng lậu, hàng giả đang lọt qua rất nhiều cánh cửa. Các cơ quan quản lý nên vào tận hang chứ không chỉ kiểm tra giấy tờ. Hàng giả họ chất đầy kho chứ đâu bỏ trên giấy tờ giả mạo đó mà cứ kiểm tra thấy có giấy tờ đầy đủ là xong. Giấy tờ này ai làm chả được”, bà Đào bức xúc.
Ông Trần Mạnh Kha, đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết, sau khi tham gia công tác chống hàng giả, nỗ lực cho nhân viên đi đến tận các đại lý, cửa hàng sửa xe máy để thông tin về chiếc bugi thật và bugi giả, đến nay, từ 20% hàng bị làm giả vào năm 2015, hàng giả bugi của NGK đã giảm về 10%. Ông Kha kết luận: “Hàng giả đa phần đến từ Trung Quốc, bằng đường tiểu ngạch. Cơ quan quản lý cần có chế tài tăng hình phạt nặng hơn để răn đe kẻ làm giả và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cuộc chiến chống hàng giả ngày càng phức tạp, doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.