Thực tế, Mỹ đang là thị trường chủ đạo với nhiều mặt hàng và mức thuế bao nhiêu ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của mặt hàng, ngành hàng đó. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn Việt Nam xuất sang Mỹ. Quyết định này đã được DN nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ ủng hộ. Mỹ từ lâu đã là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản và cá da trơn lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài cá da trơn, nhiều loại thủy sản của Việt Nam như mực, bạch tuộc cũng được xuất sang Mỹ số lượng lớn. Từ quý 1 - 3/2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Mỹ đạt 11,4 triệu USD, tăng gần 64% so cùng kỳ năm 2018. Trước đó, trong tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố mức thuế sơ bộ đối với cá da trơn Việt Nam về 0%. Sản phẩm cá da trơn của Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng. Tuy nhiên, năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ giảm mạnh do ảnh hưởng từ áp thuế chống bán phá giá.
Ngoài thủy hải sản, Mỹ là thị trường quan trọng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào Mỹ gồm dệt may, da giày, linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắt thép... Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng trên đang tăng mạnh. Hiện Việt Nam nằm trong tốp 7 quốc gia cung cấp hàng hóa cho thị trường Mỹ, song song đó, hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ cũng đang bị “soi” rất nhiều. Thực tế này đáng lo ngại hơn khi sức nóng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh Mỹ là thị trường rất quan trọng cho sản xuất, thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, phải tách bạch vấn đề là khi chưa có cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, Việt Nam cũng đã xuất siêu sang Mỹ với con số rất lớn rồi. Năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 29 tỉ USD, năm 2017 là 27 tỉ USD và 2018 lên 35 tỉ USD, năm 2019, dự kiến gần 40 tỉ USD. Mỗi năm đều có tăng, nhưng khi tăng mạnh quá, sẽ bị “để ý”. Bà Lan nói: “Mỹ là thị trường lớn, hàng hóa vào thị trường này bị ảnh hưởng xấu hay tốt đều ảnh hưởng dây chuyền đến các thị trường khác. Chẳng hạn, thép Việt vào thị trường Mỹ bị phạt, thép Việt sang các thị trường khác cũng không tránh khỏi nguy cơ bị soi hoặc bị ép giá. Thế nên, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý là rà soát thật kỹ các nhóm hàng xuất sang Mỹ đột biến có kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, gỗ chẳng hạn. Rà soát từ nhà xuất khẩu, sản xuất gia công, nhà xưởng, công nhân, nguồn hàng... Kiểm tra thường xuyên và có biện pháp ngăn chặn ngay lập tức khi có dấu hiệu khác lạ”.
Bình luận (0)