Rau quả Thái 'mượn' Việt Nam xuất qua Trung Quốc

04/07/2018 15:20 GMT+7

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong 2 năm trở về đây khi kim ngạch ngày càng tăng, thậm chí vượt gạo, nông sản chủ lực. Thế nhưng, một tỉ lệ không nhỏ trong con số này là hàng tạm nhập, tái xuất từ Thái Lan.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả Việt đạt gần 2 tỉ USD, tăng gần 20% so cùng kỳ.
Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD tăng hơn 18%, Mỹ gần 51 triệu USD tăng gần 15%, Nhật Bản gần 47 triệu USD tăng 8%, Hàn Quốc 46,5 triệu USD tăng hơn 15%, Thái Lan đạt 26,1 triệu USD tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% và được đánh giá là thị trường xuất khẩu chính rau quả Việt.
Tuy nhiên, theo cơ quan hải quan, con số tăng trưởng ấn tượng trên một phần doanh nghiệp Việt nhập khẩu hoa quả có xuất xứ từ thị trường Thái Lan sang Trung Quốc. Chủng loại rau quả nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là: xoài, chôm chôm, thanh long, mít, sầu riêng, nhãn... Trong đó, gần như 100% các loại quả măng cụt, sầu riêng, nhãn… nhập từ Thái được tái xuất sang Trung Quốc.
Còn theo Bộ NN-PTNT thì 90% các loại trái quả nhập từ Thái đều xuất sang Trung Quốc. Xu thế này xuất hiện từ năm 2014 đến nay. Như vậy, hiện tượng “cộng dồn” số liệu xuất khẩu và tạm nhập tái xuất” với nhóm hàng rau quả phổ biến từ 4 năm qua.
Trong năm 2017, theo số liệu từ Phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia ASEAN (Tổng cục Hải quan), đã có gần 0,9 tỉ USD hoa quả xuất khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, được nhập vào Việt Nam và tái xuất sang Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả. Một số liệu khác cũng từ cơ quan hải quan cho thấy, ngoài Thái Lan, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu rau quả cao nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch rau quả từ 2 thị trường này đạt hơn 384 triệu USD, chiếm 64% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Trong đó, nhập từ Thái Lan đạt 274 triệu USD, 110 triệu còn lại là từ Trung Quốc.
Như vậy, nếu ước tính 25% rau quả nhập từ Thái được tái xuất sang Trung Quốc thì trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất hộ Thái Lan gần 7 triệu USD hoa quả. Con số này cũng được đưa vào thành tích xuất khẩu rau quả của cả nước.
90% hoa quả nhập từ Thái được xuất hộ sang Trung Quốc Ngọc Dương
Chất và lượng hàng nội đều không đạt
Lý do đơn giản nhất được một số nhà xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho biết, các loại trái cây của Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu và một số tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đưa ra.
Tại hội chợ hàng Việt tại Thái Lan năm 2017, một doanh nghiệp (trụ sở đặt tại Hà Nội) xuất khẩu quả vải Lục Ngạn sang 2 thị trường Thái Lan và Trung Quốc cũng thừa nhận: Nhiều loại trái cây Thái Lan có chất lượng và hình thức đều hơn trái cây Việt với cùng chủng loại. Thế nên, không ít doanh nghiệp Việt chọn cách nhập về bán qua Trung Quốc cho nhanh thay vì phải liên kết với nhà nông rồi sản xuất theo chuỗi tốn kém hơn mà ngành nông nghiệp rất khó hỗ trợ nhà kinh doanh theo hình thức này.
Thực tế, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất cao trái cây từ Thái, tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, chính Thái Lan có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nên thị trường lớn này có nguy cơ hụt hàng trái cây. Tuy nhiên, thay vì gấp rút chấn chỉnh tổ chức trồng, sản xuất, liên kết theo chuỗi… thì có không ít trường hợp doanh nghiệp Việt chọn cách dễ nhất là mua về lấy công xuất hộ làm lời.
Việc cộng luôn hàng hoa quả tạm nhập tái xuất của Thái sang Trung Quốc vào kim ngạch xuất khẩu rau quả, theo các chuyên gia kinh tế là không chính xác và thực tế gây khó khăn cho công tác quy hoạch, dự báo.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.