Rục rịch đường sắt 'tỉ đô' TP.HCM - Cần Thơ

26/02/2019 13:56 GMT+7

Nhà máy điện mẫu đầu tiên trong số 9 nhà máy điện phục vụ tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ chính thức được khởi công trong tháng 4 tới

9 nhà máy điện "sạch"
Hôm nay 26.2, ông Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt metro, Trường ĐH GTVT TP.HCM, đồng thời là chủ nhiệm đề án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ cho biết ngày 14.2 vừa qua, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Công ty Tư vấn -Thiết kế GTVT phía Nam cùng những đơn vị tư vấn trực tiếp làm công tác nghiên cứu, thiết kế cho dự án, đã có cuộc họp bàn về việc xây dựng 9 nhà máy điện phục vụ cho tuyến đường sắt cao tốc này.
Theo đó, tàu chạy trên tuyến là tàu điện, đồng thời đây là dự án thân thiện với môi trường nên các đơn vị quyết định chọn công nghệ điện tái tạo để làm ra điện. Cụ thể, sẽ xây dựng 7 nhà máy điện sử dụng rác đốt thành điện ở 7 nhà ga trên tuyến và 2 nhà máy điện mặt trời ở ga đầu là Tân Kiên (TPHCM) và ga cuối ở Cái Cui (Cần Thơ). Mỗi nhà máy có công suất khoảng 50 MW, khi hoàn thành sẽ hòa chung vào lưới điện của Tổng công ty điện lực sau đó được phát trở lại phục vụ hoạt động của đoàn tàu.
"Dự án đi vào hoạt động không những giải quyết được vấn nạn quá tải giao thông khu vực phía nam hiện nay mà còn giúp các địa phương khu vực này giải quyết tốt việc xử lý rác thải. Nhà máy điện rác mẫu đầu tiên ở Đồng Nai, gần khu vực ga Bửu Long sẽ được khởi công vào tháng 4 tới. Dự án này có mức đầu tư 38 triệu USD do 1 tập đoàn của Mỹ đầu tư" - ông Trường thông tin.
Theo quyết định của Bộ GTVT ngày 27.8.2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km với 14 ga, bắt đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến Cần Thơ đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và 4 tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Vì thế, tháng 9 năm ngoái, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này.
Ông Hà Ngọc Trường cho hay Cục Đường sắt đã có tờ trình gửi Bộ GTVT. Trong tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ tổ chức buổi làm việc với 5 tỉnh, thành cùng Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam để thống nhất việc phê duyệt điều chỉnh hướng tuyến của dự án. Ngay sau khi Bộ GTVT "gật đầu", các đơn vị sẽ lập tức tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án. 
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút. Các chuyên gia đều cho rằng tuyến đường sắt cần nhanh chóng được triển khai thực hiện vì sau khi hoàn thành, dự án này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cả về kinh tế, văn hóa và xã hội cho cả vùng kinh tế lớn phía nam.
Tuy nhiên thực tế, khó khăn lớn nhất khi phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt ở Việt Nam luôn là nguồn vốn. Làm đường sắt vốn đầu tư rất lớn nhưng ngân sách không đủ để bố trí. Việc kêu gọi tư nhân, xã hội hóa cũng rất khó khăn vì khả năng thu hồi vốn chậm. Kêu gọi vốn ODA cũng không đơn giản. Cũng vì lý do này, không ít dự án dù biết nếu thực hiện sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội, nhu cầu đi lại của người dân nhưng vẫn ngậm ngùi nằm đó chờ đợi.
Đại diện Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam cho biết Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ đô la Canada (tương đương 5 tỉ USD). Theo phương án tài chính đang trình TP.HCM, công trình này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), nhà nước chịu trách nhiệm phần giải phóng mặt bằng, còn tư nhân sẽ đảm nhận toàn bộ chi phí xây dựng.
Ông Hà Ngọc Trường thông tin thêm: Hiện đã có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm đến dự án này. Họ đánh giá hiệu quả đầu tư tuyến đường (sau khi thay đổi hướng tuyến) sẽ rất cao bởi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên TP.HCM rất lớn và còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, 9 ga sẽ được quy hoạch thành 9 thành phố mới với quy mô dân số tương đương một phường, xã gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị... theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó các địa phương hoàn toàn có thể khai thác quỹ đất ở các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.