Thanh Niên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết lý do nào để tỉnh đưa ra đề xuất xây dựng Cảng hàng không Lý Sơn?
Ngày 10.5, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất bổ sung các cảng hàng không tại các huyện đảo quan trọng của quốc gia gồm Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) vào “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế biển đảo, vừa khẳng định chủ quyền vùng trời, biển đảo quốc gia. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics tại Cần Thơ và sửa đổi quy hoạch, nâng tổng diện tích Cảng hàng không Cần Thơ dự kiến là 700 ha.
|
Việc phát triển Lý Sơn trở thành một điểm đến nổi tiếng, để bạn bè du khách quốc tế biết đến Lý Sơn, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc cũng chính là cách giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, sân bay giữ vai trò vô cùng quan trọng trong các trường hợp khẩn nguy cần cứu nạn. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Vì thế, ngày 7.5.2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không xin được chấp thuận chủ trương bổ sung, cập nhật Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Dự kiến đây sẽ là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm theo hình thức BOT (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước).
* Cụ thể thì có sân bay sẽ tác động thế nào đến việc “phát triển Lý Sơn thành một điểm đến nổi tiếng” như ông vừa nói?
- Xác định du lịch là mũi nhọn để phát triển kinh tế, chúng tôi đã nghiên cứu những mô hình du lịch tại các hòn đảo nổi tiếng thế giới và thấy rằng đảo Lý Sơn hội đủ tiềm năng, lợi thế để có thể trở thành một đảo du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế nếu được đầu tư chiến lược, bài bản. Việc xây dựng sân bay tại Lý Sơn sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.
Thực tế, hiện nay Lý Sơn đang sở hữu nhiều tiềm năng dồi dào về du lịch nhưng lưu lượng khách tới đây còn khiêm tốn, doanh thu vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. So với Côn Đảo, lượng du khách đến Lý Sơn năm 2019 chỉ bằng khoảng 66%, doanh thu du lịch chỉ bằng 1/5. Một trong những điểm nghẽn khiến du lịch Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng chính là sự bất tiện về phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông, còn thiếu vắng sân bay để du khách có thể di chuyển tới đây bằng đường hàng không…
* Có ý kiến cho rằng việc quy hoạch sân bay Lý Sơn là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm chưa phù hợp với diện tích hiện nay của đảo này, ông trả lời thế nào?
- Trên thế giới, có rất nhiều sân bay quốc tế được xây dựng trên các hòn đảo diện tích nhỏ và đã sớm trở thành cây cầu nối cho các đảo này vươn ra thế giới, sớm đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. Chẳng hạn đảo du lịch Maldives nổi tiếng ở Ấn Độ Dương gồm 1.200 hòn đảo lớn nhỏ với 4 sân bay quốc tế và
86 sân bay nội địa trải dài. Trong đó, sân bay quốc tế Velana nằm ở đảo Hulhule - rộng chỉ 3 km2, là sân bay bận rộn nhất ở Maldives khi hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều được kết nối với sân bay này.
Đảo Saba (thuộc vùng biển Caribe) rộng 13 km2 sở hữu 1 sân bay; Bora Bora - hòn đảo thuộc Pháp (ở nam Thái Bình Dương) được mệnh danh đẹp nhất hành tinh, với diện tích 24 km2 cũng sở hữu riêng sân bay quốc tế; hay đảo quốc nhỏ nhất thế giới Nauru (thuộc tây nam Thái Bình Dương) cũng kết nối với thế giới qua một sân bay quốc tế…
Chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích kỹ tính khả thi, hiệu quả cũng như tác động của sân bay quốc tế đối với Lý Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Với tầm nhìn tới năm 2050 và mục tiêu trở thành một điểm đến nổi tiếng, để du khách quốc tế biết đến Lý Sơn, quy mô Cảng hàng không quốc tế Lý Sơn tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý.
|
* Lý Sơn nằm cách sân bay Chu Lai của tỉnh Quảng Nam không quá xa, và cách đất liền chỉ khoảng 15 hải lý, việc đầu tư thêm một sân bay nữa liệu có lãng phí không, thưa ông?
- Đúng là không quá xa sân bay Chu Lai, nhưng đảo Lý Sơn lại nằm hoàn toàn tách biệt ngoài biển. Hiện du khách đến với đảo Lý Sơn phải trải qua nhiều chặng, nhiều tuyến, phải di chuyển bằng cả đường không, đường bộ và đường thủy, mất rất nhiều thời gian trung chuyển, chờ đợi. Việc này khiến khách trong nước còn ngần ngại, huống chi khách quốc tế. Do phương tiện di chuyển chính là bằng đường thủy nên có rất nhiều điểm bất tiện vì cảng tàu ở Lý Sơn là cảng dùng chung cả cho du lịch lẫn vận chuyển hàng hóa, hoạt động đánh bắt cá. Vì thế, khi thời tiết trên biển phức tạp, khách du lịch và người dân ở đất liền không thể tiếp cận được đảo và ngược lại, người dân trên đảo cũng không thể vào đất liền.
Do vậy, để phát triển kinh tế, phát huy lợi thế du lịch của Lý Sơn, rất cần “mở cửa” bầu trời, để kết nối Lý Sơn với các địa phương trên cả nước cũng như với thế giới.
* Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch thu hút vốn tư nhân vào làm cảng hàng không theo mô hình BOT như đề xuất của tỉnh?
- Việc xã hội hóa xây dựng sân bay là phù hợp với xu thế phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Quảng Ngãi cam kết sẽ lựa chọn nhà đầu tư giàu tiềm lực, giàu kinh nghiệm để dự án được triển khai đúng tiến độ đạt hiệu quả cao nhất. Chúng tôi hướng tới tìm kiếm các nhà đầu tư xứng tầm chia sẻ tầm nhìn, tâm huyết với địa phương, cùng đầu tư phát triển vì lợi ích của quốc gia nói chung và của Quảng Ngãi, của Lý Sơn nói riêng. Nếu không tìm được nhà đầu tư đủ tâm huyết, đủ tiềm lực như vậy, chúng tôi sẽ không làm.
Bình luận (0)