Trong dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung thêm điều 4a nêu rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của các đơn vị này. Trong đó, CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp (cho khách hàng vay tiền mặt - PV) đối với những khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó và được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN.
|
Như vậy dự thảo trên “chặn” bớt con đường phát triển cho vay tiêu dùng của các CTTC. TS Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV - nhận định có thể NHNN muốn kiểm soát hoạt động cho vay của các CTCT sau nhiều điều tiếng liên quan đến lãi suất, minh bạch hay công tác thu hồi nợ. Tuy nhiên nếu để kiểm soát rủi ro trong hoạt động này thì có nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra các tiêu chí về thanh khoản, về vốn hay hệ số đòn bẩy của CTCT theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Việc quy định trần tỷ lệ cho vay tiền mặt cần phải được đánh giá đa chiều trước khi muốn áp dụng. TS Cấn Văn Lực ví dụ, NHNN phải khảo sát và công bố tỷ lệ cho vay tiền mặt, giải ngân trực tiếp cho khách hàng ít nhất của 12 CTTC dẫn đầu (chiếm khoảng 90% thị phần cho vay tiêu dùng của các CTTC) hiện nay là bao nhiêu? Giả sử tỷ lệ bình quân giải ngân trực tiếp cho khách hàng của các đơn vị này là hơn 30% thì có thể đưa tỷ lệ từ mức 50%. Sau đó có lộ trình giảm dần xuống 40%...
Hạn chế phát triển cho vay tiêu dùng
Hoạt động của các CTTC được đánh giá là có thể trở thành “cánh tay nối dài” cho các ngân hàng khi tiếp cận được những khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn chính thức và ở nhiều vùng sâu, vùng xa. Vì vậy dự thảo trên không chỉ giới hạn sự phát triển của các CTCT mà còn mâu thuẫn với chủ trương chống tín dụng đen của NHNN.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế -Luật), nhận định việc siết cho vay tiền mặt của CTTC là hạn chế phát triển tài chính vi mô. Ngoài vay mua hàng hóa trả góp như mua xe máy, mua điện thoại,... khách hàng cần vay tiêu dùng là các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ với khoản vay phổ biến 5 - 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng. Khoản vay đó có thể để làm vốn lưu động trong buôn bán hay sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ. Vì vậy họ cần vay tiền mặt trực tiếp. Những khách hàng này không đủ điều kiện có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nên mới cần đến các CTTC với điều kiện vay dễ hơn, thủ tục nhanh gọn hơn. Đồng thời, nếu yêu cầu chỉ cho vay tiền mặt với khách hàng cũ thì cũng là điều kiện gây khó khăn cho người vay. Bởi người có nhu cầu vay tín dụng đen thường chưa bao giờ đi vay tại các nhà băng hay CTTC trước đó.
Theo TS Nguyễn Anh Phong, có những người đủ điều kiện thì các ngân hàng cũng không xét duyệt những hồ sơ vay quá ít chỉ 5 - 10 triệu đồng vì chi phí thẩm định hồ sơ cao. Do đó nếu NHNN buộc CTTC loại bỏ những đối tượng vay mới thì người dân chỉ còn cách tiếp cận tín dụng đen. “Quan trọng nhất là bản chất rủi ro của các khoản vay không có tài sản thế chấp là như nhau. Việc CTTC giải ngân qua cho đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ hay giải ngân trực tiếp cho người vay thì đối tượng trả nợ vẫn là người vay. Vì vậy tôi cho rằng không nên khống chế tỷ lệ cho vay tiền mặt mà sẽ để các CTTC tự cân đối rủi ro và quyết định hình thức cho vay như hiện nay”, TS Nguyễn Anh Phong nói.
Bình luận (0)