'Siêu sân bay' Long Thành đang xây dựng đến đâu?

09/06/2021 20:25 GMT+7

Dịch Covid-19 ảnh hưởng làm sụt giảm đáng kể nguồn thu của ACV, song chủ đầu tư dự án giai đoạn 1 sân bay Long Thành cho biết đang cố gắng đáp ứng các mốc tiến độ chính.

Gặp khó do Covid-19

Báo cáo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành hàng không, trong đó có ACV. Toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ chính của doanh nghiệp này. Các đợt bùng phát dịch tại thị trường nội địa cũng làm giảm đáng kể đến sản lượng khách nội địa.
Đáng chú ý, công tác triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng gặp khó khăn trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị đối tác có chuyên gia nước ngoài. Một số cán bộ, nhân viên, người lao động phải cách ly, không tham gia làm việc trực tiếp tại các dự án... ACV cũng đã tăng cường họp trực tuyến để đảm bảo tiến độ triển khai của dự án.
Mặt khác, biến động giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong khi tổng mức đầu tư, dự toán chi tiết được xây dựng theo định mức được nhà nước ban hành chưa điều chỉnh kịp thời theo biến động của thị trường.
Dù vậy, ACV cũng cho biết đã lập kế hoạch triển khai với các mốc tiến độ chính đảm bảo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ về thời điểm hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trong năm 2025.
Trong đó, công tác rà phá bom mìn, thi công tường rào ranh giới cho 5.000 ha và san nền thoát nước đã được ACV triển khai ngay từ tháng 1.2020 để đảm bảo chuẩn bị mặt bằng triển khai thi công phần móng nhà ga vào tháng 2.2022.
Đến nay đã hoàn thành rà phá bom mìn cho hơn 25% tổng diện tích giai đoạn 1 của dự án và thi công được hơn 1.750 m tường rào ranh giới. Dự kiến sẽ hoàn thành thi công 8.668 m tường rào trong tháng 9.2021 và công tác rà phá bom mìn trong tháng 12.2021.
Đối với hạng mục san nền thoát nước cho khu vực nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay, hiện đang được triển khai thiết kế để thi công trong tháng 11.2021, nhằm chuẩn bị mặt bằng khởi công phần móng nhà ga hành khách vào tháng 2.2022. Các khu vực còn lại thi công trong quý 1/2022.
Về công tác thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách, ACV đã lựa chọn đơn vị thiết kế là Liên danh tư vấn đứng đầu bởi Heerim (Hàn Quốc), tác giả phương án kiến trúc nhà ga hành khách. Bước thiết kế kỹ thuật đã được triển khai từ tháng 5.2021 và khẩn trương thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt trước phần móng công trình để khởi công nhà ga trong tháng 2.2022.
Trong tháng 5.2021, ACV và tư vấn cũng đã báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về thiết kế cơ sở và phương án giải phóng mặt bằng cho phần diện tích đất của hai tuyến giao thông kết nối.

2,5 tỉ USD vốn huy động giai đoạn 1

Đối với công tác bố trí, huy động vốn cho dự án, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để xây dựng và triển khai phương án huy động vốn trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó nhu cầu vốn cần huy động không vượt quá 2,5 tỉ USD, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như vay thương mại trong và ngoài nước bằng USD hoặc VNĐ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng xuất khẩu...
Trong đó, phương án vay trong nước bằng ngoại tệ USD trả bằng USD là phương án ưu tiên đã được ACV báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Phương án này có các ưu điểm như lãi suất cho vay bằng USD luôn thấp hơn đáng kể so với VNĐ. ACV có nguồn thu USD trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động kinh doanh, khai thác các cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc... để trả lãi vay ngoại tệ.
Để tối ưu hoá nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn, ACV cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được tích lũy nguồn tiền tối đa từ hoạt động sản xuất kinh doanh để đầu tư trên cơ sở phương án bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ lợi nhuận sau thuế, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án cho phép ACV vay các ngân hàng quốc doanh trong nước bằng USD và trả bằng USD nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.