Sống khỏe với rau sạch thủy canh

18/05/2019 06:43 GMT+7

Nhận thấy thực phẩm sạch đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, anh Hồ Công Thái (39 tuổi, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư tiền tỉ xây dựng mô hình nông nghiệp sạch bằng hình thức trồng rau thủy canh.

Từng có thời gian làm việc trong chi nhánh một hãng nước giải khát lớn ở Quảng Nam với mức lương ổn định khá, nhưng niềm đam mê nông nghiệp sạch thôi thúc nên anh Thái đã quyết định chuyển hướng làm nông nghiệp. “Sẵn máu đam mê trồng trọt từ nhỏ, trong một lần đi du lịch Thái Lan thấy thời tiết nắng nóng nhưng người dân trồng rau rất hiệu quả, khi về tôi quyết định đầu tư trồng rau thủy canh”, anh Thái nói.
Đầu năm 2017, anh về quê thuê đất, đầu tư gần 1 tỉ đồng xây dựng khu trồng rau thủy canh khép kín với màng lưới chống côn trùng, hạn chế ánh nắng trực tiếp trên phần diện tích 4.000 m2. Các kệ đỡ, thiết bị ươm hạ đều được làm bằng sắt cứng không gỉ, bộ thiết bị trồng rau được đặt trên giàn cách mặt đất từ 50 - 70 cm. Hệ thống tưới nước tự động được điều chỉnh theo nhiệt độ ngoài trời. Song song đó, anh liên hệ trực tiếp với các đại lý chuyên bán hạt giống ở nước ngoài đặt mua hạt giống về trồng.
Theo anh Thái, rau thủy canh có ưu điểm phát triển đều, hạn chế đến 95% sâu bệnh; đặc biệt không mất nhiều thời gian chăm sóc, rau sạch lại nhiều chất dinh dưỡng nên bán giá cao. Hiện tại, vườn rau chủ yếu trồng xà lách, cải, rau muống. Mỗi giàn cho 50 kg rau/lứa, các lứa rau được cắt cuốn chiếu, đảm bảo thời điểm nào cũng có. Mỗi cây rau được trồng trên giá thể cho thu hoạch 5 lứa rau liên tiếp. Rau muống sau khi cắt sẽ tách mầm trở lại, thường cho thu hoạch lứa tiếp 20 ngày sau đó. Thị trường anh hướng đến chủ yếu là ở TP.Đà Nẵng và Quảng Nam.

Sử dụng công nghệ Aquaponics

Để đảm bảo đúng “chất” rau sạch, mới đây anh Thái đưa vào sử dụng mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá tuần hoàn khép kín (hay còn gọi là hệ công nghệ cao Aquaponics). Theo đó, ở dưới vườn rau thủy canh có một hồ cá. Hồ có một hệ thống bơm nước. Chất thải cá qua bộ lọc vi sinh chuyển hóa thành chất dinh dưỡng rồi bơm lên nuôi cây. Rễ cây sau khi hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ lọc sạch nước trả lại cho bể cá. Nguồn nước này có thể sử dụng liên tục cho đến khi bốc hết hơi. “Bí quyết tạo nên thành công ở mô hình này là phải đảm bảo cân đối lượng cá nuôi trong hồ, nhằm tạo ra một lượng dưỡng chất cung ứng cho cây rau. Với 30 giàn rau, có thể thả nuôi khoảng 1.000 con cá rô phi”, anh Thái nói.
Anh Thái chia sẻ, cái khó của việc trồng rau thủy canh là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Thế nhưng, bù lại mô hình này lại hiệu quả, năng suất cao gấp 2 - 3 lần so với cách trồng rau truyền thống trên đất. Mỗi ngày anh cung ứng ra thị trường từ 80 - 100 kg rau với giá bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Riêng cá rô phi 6 tháng anh xuất bán một lần.
“Hiện nay, thực phẩm bẩn, kém chất lượng đang là mối lo ngại đối với người tiêu dùng. Mô hình này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch đang tăng rất cao”, anh khẳng định và cho hay sau khi trừ chi phí, mô hình kết hợp này giúp anh thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.