Startup phải có ý tưởng khác lạ, thậm chí hơi điên rồ mới 'chạm' đến thành công

10/06/2019 15:47 GMT+7

Ông Vinnie Lauria, sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures - người từng khởi nghiệp tại Silicon Valley của Mỹ, cho rằng làm startup phải điên rồ, khác biệt mới chạm đến được thành công.

Ông Vinnie Lauria đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư khởi xướng, phối hợp cùng Bộ Khoa học - Công nghệ và Golden Gate Ventures tổ chức hôm nay, 10.6, tại Hà Nội.
Golden Gate Ventrues được biết đến là Quỹ đầu tư mạo hiểm đặt tại Singapore chuyên đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Trong số 54 công ty ở châu Á được rót vốn, có 5 công ty ở Việt Nam gồm: Baokim.vn, Wifi chùa, Appota, GoJek và Lozi.
Kinh doanh tại Việt Nam, ông Lauria bày tỏ sự khâm phục với tinh thần làm việc, đặc biệt là học tập, của người Việt. Khi đi dạo trong một công viên tại TP.HCM, ông thấy rất nhiều người ngồi học tiếng Anh và sẵn sàng trò chuyện để thực hành vớt bất cứ du khách nào.
“Một quốc gia có nhiều sinh viên đoạt giải quốc tế khoa học, toán,... ở đó chắc chắn sẽ có được hệ sinh thái, nền tảng khởi nghiệp tốt. Đó là lý do Đông Nam Á, cũng như Việt Nam, trở thành địa điểm mà Golden Gate mở văn phòng từ 1 thập kỷ trước”, nhà sáng lập quỹ này bày tỏ.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, theo Vinnie Lauria, với bất cứ một startup nào, tinh thần như một chiến binh là điểm đầu tiên phải có. Thậm chí, ngay cả ý tưởng sáng tạo phải "khùng" một chút.
“Cá nhân tôi khi làm việc năm 2000 tại thung lũng Silicon cũng rất khùng”, ông Laurie nói, và cho rằng đó là những người nhìn nhận thế giới một cách khác biệt với 99% số còn lại. Họ sẵn sàng nhận thấy cơ hội mà gần như tất cả mọi người không nhận ra, có người bị cười vào mặt, bị gia đình phản đối, song vẫn kiên trì, quyết tâm làm ra những điều tuyệt vời.
“Hơn 50 năm trước, người sáng lập đầu tiên của HP đưa ra ý kiến đã bị cười vào mặt. Nhưng họ vẫn cứ tiếp tục làm và phát triển theo đúng định hướng của mình, để rồi giờ đây trở thành tập đoàn nổi tiếng toàn cầu”, ông dẫn ví dụ trường hợp của Hewlett - Packard (HP), tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.
Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp thu hút hơn 100 quỹ mạo hiểm toàn cầu Ảnh Tiêu Phong

Phó thủ tướng: Nếu giỏi, tôi đã đi làm startup!

Chia sẻ với hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, cùng cộng đồng startup Việt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, khi đưa ra ý tưởng sáng tạo, kế hoạch khởi nghiệp thì không nên đặt trong những khuôn phép “như này mới đúng hoặc như kia mới được”. Với những ý tưởng mới khác lạ, khác biệt; thậm chí có khi điên rồ,… hãy bình tĩnh tạo điều kiện cho các ý tưởng đó, cổ vũ sáng tạo nó.
“Tôi có lòng tin cộng đồng startup Việt sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. 3 năm gần đây, lượng vốn đầu tư tăng rất nhanh. Năm 2016 tăng 49% so với 2015; năm 2017 tăng 42% và năm 2018 tăng đột biến 205%... Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại quan tâm đến Việt Nam”, Phó thủ tướng đặt câu hỏi, và khẳng định Việt Nam đã đạt được bước tăng trưởng rất ấn tượng. GDP liên tục ở mức cao, vĩ mô ổn định. Song phải duy trì được sự quan tâm này, đồng thời phải liên tục không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra cơ hội mới cho tất cả mọi người. 
Theo Phó thủ tướng, điều đầu tiên phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh. Chủ trương, kêu gọi đã nhiều, giờ đến lúc hành động mạnh mẽ, từ các tỉnh, bộ, ngành phải làm từng việc cụ thể.
Thứ 2, nói về các cuộc cách mạng 4.0, trào lưu mới, nôm na phải có những bước đột phá mạnh hơn, phát triển mạnh công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng công nghệ.
Thứ 3, mấu chốt là phải đầu tư vào giáo dục, khoa học. Đây là quốc sách nhưng phải được đảm bảo bằng điều kiện cụ thể từ chính sách. Muốn phát triển khoa học công nghệ phải đổi mới sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp phải làm trung tâm đầu tư vào R&D (nghiên cứu và sáng tạo). Chính phủ có chính sách thuế, tín dụng, đất đai để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Bây giờ làm gì? Nếu tôi giỏi đã đi làm startup, nếu có năng khiếu đã đi làm ở các quỹ đầu tư”, Phó thủ tướng đề cao vai trò của startup, và cho rằng nếu không thực sự đổi mới, kết hợp chặt chẽ hơn, thì sẽ có nhiều rủi ro. Ông Đam khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng với startup, tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, cổ vũ, động viên cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.