Tại sao nhà đầu tư điện gió ngoài khơi 'sợ' đấu thầu?

15/06/2021 06:05 GMT+7

Việc chuyển từ cơ chế giá có hỗ trợ (FIT) sang cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi đang khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro và thu hút đầu tư giảm sút.

Thế nhưng, theo các chuyên gia thì thực tế không hoàn toàn như vậy.

Giữ chính sách giá FIT chờ nhà đầu tư?

Ý kiến trên được đưa ra tại một buổi trao đổi trực tuyến về điện gió ngoài khơi do Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức vào cuối tuần qua.

Cơ chế đấu thầu giải quyết được bài toán tạo ra thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh. Việc đấu thầu công khai, minh bạch và chuyên nghiệp vẫn tốt hơn là giá áp theo ý chí chủ quan nếu muốn tiến tới thị trường mua bán điện có cạnh tranh sau này.

Ông Trần Văn Bình

Cụ thể, theo các nhà đầu tư (NĐT), việc thực hiện cơ chế đấu thầu ngay thay vì áp dụng giá ưu đãi FIT có lộ trình đối với các dự án điện gió ngoài khơi sẽ khiến họ gặp rủi ro. Đặc biệt, cơ chế đấu thầu trên không giúp Việt Nam có ngay mức giá mua vào điện gió thấp hơn giá FIT do chi phí đầu tư vào rất lớn và thời gian để đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi (cách 40 - 50 km tính từ bờ biển trở ra) thường kéo dài nhiều năm. Đây là sân chơi của các NĐT có tài lực vững, mạnh.
Số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy hiện có khoảng 130 dự án điện gió (ngoài khơi và trên đất liền) đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, chỉ có 12 dự án với tổng công suất gần 582 MW đã được đưa vào vận hành thương mại.
Dự kiến trong năm nay, có khoảng 105 dự án vận hành thương mại trước ngày 1.11, kịp hưởng giá ưu đãi 1.927 đồng/kWh và 2.223 đồng/kWh. Trong số các dự án điện gió tỉ đô, phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (Anh) với quy mô 3,4 GW, tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỉ USD (tương đương khoảng 274.000 tỉ đồng).

Dự án điện gió ngoài khơi

La Gàn (liên doanh giữa Công ty CP năng lượng dầu khí châu Á (Asiapetro), Novasia Energy và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) có công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10,5 tỉ USD (tầm 242.000 tỉ đồng). Một NĐT lớn nữa cũng đang “nhòm ngó” thị trường này tại Việt Nam đến từ Đan Mạch, đó là Tập đoàn Orsted. Ở trong nước, cũng có NĐT “tỉ đô” tham gia như HBRE Group và đối tác Pháp dự án điện gió ngoài biển với mức đầu tư 1 tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng) có công suất 500 MW...
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện chỉ có dự án Thăng Long Wind với công suất 3,4 GW, đầu tư gần 12 tỉ USD là đã hoàn tất các thủ tục. Các dự án còn lại chỉ ở giai đoạn khảo sát. “Nên nói giữ giá FIT chờ các dự án này thì không lẽ chính sách chạy sau chờ NĐT hay sao? Và nếu chờ, biết đến bao giờ?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo quy định, đến ngày 31.10.2021 tới đây, giá cố định ưu đãi FIT cho điện gió ngoài khơi với mức 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đồng) sẽ hết hạn. Thời gian áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành. Tức là muốn được hưởng mức giá ưu đãi nói trên, các dự án điện gió ngoài khơi phải được đưa vào vận hành trước ngày 1.11 tới. Sau ngày đó, cơ chế giá sẽ thay đổi.
Thế nên, trong thời gian qua, có khá nhiều dự án điện gió đang “chạy đua” nước rút đóng điện trước ngày 31.10 để hưởng giá ưu đãi FIT 2.223 đồng/kWh kéo dài 20 năm. Quan điểm của Bộ Công thương là cần sớm chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu, thay vì mức giá cố định FIT nói trên đối với dự án điện gió và cả điện mặt trời nói chung. Được biết, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cũng đang xây dựng cơ chế đấu thầu này. Theo EVN, có 13 dự án sẽ không kịp vận hành trước ngày 1.11 năm nay và cảnh báo các dự án dự kiến vận hành sau ngày 1.11.2021 có thể gặp rủi ro về quá tải và thừa nguồn. Đặc biệt, vấn đề quá tải thường không được xử lý ngay trong thời gian ngắn khi cơ sở pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện chưa rõ ràng.

Giá mua ở Việt Nam cao hơn nhiều nước

Ông Trần Viết Ngãi khẳng định đấu thầu các dự án điện sẽ giúp chúng ta 3 cái lợi, đó là chọn được thiết bị tốt, kỹ thuật tốt và giá tốt”.
Thừa nhận trong các dự án điện nói chung, 60 - 70% giá trị thiết bị vật tư Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong nước chưa sản xuất được, ông Trần Viết Ngãi cho biết các dự án điện gió ngoài khơi thiết bị phải nhập 100%. Thế nhưng, với các dự án tỉ đô, NĐT thường tính rất kỹ trước khi khảo sát. Chưa kể, hiện mức giá điện gió ngoài khơi theo giá FIT của chúng ta là 9,8 cent/kWh trong khi Đài Loan là 6 cent/kWh, Trung Quốc 5,5 cent/kWh, Anh 5 cent/kWh, Hà Lan 4,5 cent/kWh, Mỹ 5 cent/kWh…
“Dẫn ra để thấy, giá điện gió ngoài khơi của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác”, ông Ngãi nói thẳng và cho rằng mức giá đấu thầu đưa ra sau này chắc chắn sẽ bảo đảm hợp lý cân bằng giữa thu hút đầu tư và có lợi cho NĐT lẫn người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình bổ sung chi phí đầu tư vào điện gió trong 10 năm qua đã giảm mạnh. Dẫn số liệu của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu, ông Bình cho biết giá sản xuất điện từ nguồn điện gió ngoài khơi trong 10 năm qua đã giảm đến… 70% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nữa do trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ được cải tiến mạnh.
“Giá FIT của chúng ta thực tế được định ra chưa được nghiên cứu đầy đủ về bài toán tiền, chỉ dừng lại ở mức khuyến khích đầu tư trong giai đoạn chúng ta muốn thu hút đầu tư năng lượng tái tạo càng nhiều càng tốt. Trong quá trình đó, các chính sách có thể thay đổi để phù hợp tình hình dần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.