Tháng 1.2021 bắt đầu đào hầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

07/12/2020 14:57 GMT+7

Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) Hà Nội cho biết, robot đào hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (máy TBM) đã lắp đặt xong khoảng 40% và hiện vẫn vận chuyển dần từ cảng Hải Phòng về ga ngầm S9.

Theo kế hoạch, đến ngày 15.1.2021 sẽ lắp đặt xong máy đào hầm TBM thứ 1; thời gian kiểm tra và chạy thử máy TBM thứ 1 dự kiến diễn ra từ ngày 16.1 đến ngày 31.1.2021, sau đó sẽ bắt đầu đào chính thức. Dự kiến, robot thứ hai sẽ cập cảng Hải Phòng vào cuối tháng 12 này.
Máy TBM thứ 2 sẽ bắt đầu muộn hơn máy đào số 1 khoảng 3 tháng, cả 2 robot đào hầm được vận hành đào song song 2 ống ầm, từ ga S9 và kết thúc tại ga Trần Hưng Đạo.
Trung bình, mỗi ngày, robot sẽ đào được khoảng 12 m hầm trong điều kiện lý tưởng, nếu phát sinh sự cố như gặp phải vật cản trở, có hiện tượng xô lún công trình bên cạnh thì thời gian sẽ kéo dài hơn.

Máy đào hầm TBM có chiều dài khoảng 90 m

Ảnh MRB

Mỗi robot đào hầm tương tự như dự án Nhổn - Ga Hà Nội có giá trị khoảng 10 - 15 triệu USD. Tuy nhiên, khi đào hoàn thành xong dự án Nhổn - Ga Hà Nội thì bộ phận khiên đào (đắt nhất của máy TBM) sẽ hết khấu hao và cũng không dùng cho các dự án tương tự khác. Khi hoàn thành sứ mệnh, đào xong hơn 2 km đường hầm của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì robot sẽ tự hủy.
Ông Vũ Thế Mạnh, Giám đốc gói thầu CP03 (nhà thầu Fecon), thông tin việc vận hành 2 máy TBM đào hầm tại tuyến này sẽ do Fecon đảm nhiệm dưới sự giám sát và tham gia của các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, của nhà sản xuất TBM.
Máy TBM có chiều dài 90 m, gồm 5 toa và 1 bộ khiên đào phía trước. Về việc trong quá trình đào hầm có thể gây lún, nứt các công trình xung quanh ở phía trên hay không, đại diện MRB Hà Nội cũng như đơn vị thi công là Fecon cho hay, việc đào hầm thực hiện ở độ sâu từ 15 - 25 m, hơn nữa, các đơn vị cũng đã khảo sát, đo đạc về địa chất từng khu vực mà tuyến đường hầm chạy qua.
“Các kịch bản đã được lên đầy đủ, nếu trong quá trình đào hầm mà xảy ra sự cố theo kịch bản nào thì sẽ tạm dừng lại để xử lý”, đại diện MRB Hà Nội cho biết. Theo đó, trong quá trình robot đào hầm, sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép, thì lập tức máy TBM cũng sẽ tạm dừng đào để xử lý.
Máy đào đến đâu, vỏ hầm sẽ được tự động lắp đặt đến đó. Vỏ hầm có độ dày 30 cm, chống thấm tuyệt đối, giữa các khe của vỏ hầm được làm khít bằng gioăng cao su.

Vị trí đào hầm ga Kim Mã nhìn từ trên cao

Ảnh Hữu Nguyên

Ngoài ra, theo ông Mạnh, máy đào hầm TBM là loại tự cân bằng áp lực trong khi đào, không gây mất áp lực lòng đất nên việc xảy ra sụt lún công trình phía trên là hiếm.
“Chúng tôi đã có kinh nghiệm xử lý sự cố với dự án metro Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM. Đường hầm của tuyến này chạy sát qua nhà hát lớn, chỉ cách khoảng 7 m nhưng không gây sụt lún hay ảnh hưởng gì”, ông Mạnh cho hay.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học GTVT, 4 km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.