Thành con nợ vì học làm giàu: Học viên giúp giảng viên... làm giàu

10/09/2018 07:19 GMT+7

"Những khóa học này đúng là dạy làm giàu nhanh chóng, nhưng không phải học viên giàu lên mà là giảng viên, họ giàu nhanh chóng bằng cách lấy tiền học phí mà mọi người đóng khi tham gia khóa học", anh Hạnh phân tích

Đã từng đi học lớp đào tạo, hay các buổi hội thảo, khóa ngắn hạn liên quan việc làm giàu, anh Hạnh (ngụ TP.HCM) cho biết ban đầu thấy hay vì tư tưởng tốt, tác động được vào ý chí làm giàu của bản thân, thấy cơ hội kiếm được nhiều tiền sáng bừng trước mắt.
Tuy nhiên sau vài lần, thấy quá nhàm và thậm chí phải dùng từ “lừa đảo” nên anh Hạnh đã quyết định dừng lại. "Có ai dại dột không dùng làm giàu cho cá nhân mà mang hết “bí kíp” ra dạy cho nhiều người để cạnh tranh với họ?”, anh tự nhận xét.
Do biết đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh mà ngại tốn công sức, thời gian, tư duy của nhiều người, các lớp dạy làm giàu đua nhau mở ra để hút tiền mọi người.
“Từ thành thị đến nông thôn, ai cũng bị mê hoặc bởi các khóa học làm giàu cấp tốc. Ai cũng nghĩ những khóa học này có thể giúp đổi đời nhanh chóng, giúp biến đổi số phận nên nó mới có thể tồn tại. Thực chất các chuyên gia dạy làm giàu chỉ là những người có khả năng ăn nói, có một chút kiến thức về kinh tế, biết cách thu hút sự chú ý để lùa được vô số những người nhẹ dạ cả tin vào các lò luyện của họ. Những khóa học này đúng là dạy làm giàu nhanh chóng, nhưng không phải học viên giàu lên mà là giảng viên, họ giàu nhanh chóng bằng cách lấy tiền học phí mà mọi người đóng khi tham gia khóa học. Tính sơ sơ, mỗi khóa chỉ vỏn vẹn 1 - 2 ngày và cứ trung bình học phí khoảng 500.000 đồng/học viên thì chỉ cần từ 100 - 150 học viên là các chuyên gia đã thu về từ 50 - 75 triệu đồng/1 - 2 ngày. Một tháng 30 ngày, một năm 365 ngày, con số lợi nhuận chắc chắn khó tính nhẩm nổi”, anh Hạnh phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, đây là một hình thức lừa đảo, hậu quả không đến liền nên hiện nay chưa có hình thức xử lý. Tại các khóa này, giảng viên thường đưa ra các dự án BĐS bán để hưởng hoa hồng, hay lập các quỹ đầu tư chứng khoán để gom tiền của học viên. Những khóa học này đưa ra các cam kết rất hấp dẫn về các kênh đầu tư, huy động vốn của học viên nhưng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Thậm chí có những khóa được cả triệu USD như khóa học của “chuyên gia” P.H.L mang tên “dạy đại bàng”. Nhiều người sau khi đi học, thấy bị lừa đã viết đơn tố cáo lên công an, nhưng khó xử lý.
Ông Khánh cho rằng người học nên xem kỹ người dạy là ai. Tránh những khóa đào tạo miễn phí, bởi tại các khóa này thường có chim mồi để dụ người tham dự học các khóa dạy làm giàu có phí. Những khóa học mà có cam kết đền bù, cam kết làm giàu nhanh chóng... cũng nên lánh xa, bởi điều đó là không thể.
Nếu miễn phí, nên lựa chọn một số khóa học phù hợp và luôn giữ đầu óc tỉnh táo. Xem các khóa học ấy là nguồn cảm hứng cho bản thân phát triển. Còn nếu không xác định được, chỉ nên tham gia các khóa học kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị, giao tiếp, phục vụ công việc... Muốn làm giàu thì tự đi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn như đi làm thêm, xin thực tập, đi học nghề, đi khảo sát...
“Cá nhân tôi thấy các khóa học làm giàu hiện nay chỉ toàn “chém gió”, thậm chí lừa đảo để thu tiền chứ chẳng đem lại ích lợi gì cho người học. Chỉ có sự trải nghiệm của chính bản thân bạn mới là người thầy tốt nhất”, ông Khánh nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.