Ngày 4.7, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và Phó Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, hội thảo này nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng cho tỉnh Thanh Hóa.
|
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết hiện nay Thanh Hóa có dân số 3,64 triệu người, đứng thứ 3 cả nước; diện tích tự nhiên trên 11.000 km2, đứng thứ 5 cả nước. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt trên 229.000 tỉ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đột phá, năm 2020 dự kiến thu được 29.000 tỉ đồng, đứng thứ 11 trong cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, phát triển của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thanh Hoá chưa thực sự đảm đương được vai trò trung tâm, động lực phát triển của khu vực, chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những thách thức mới.
GRDP bình quân đầu người của Thanh Hoá vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước; chất lượng tăng trưởng kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khu Kinh tế Nghi Sơn là động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, nhưng đầu tư kết cấu hạ tầng còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa đủ cân đối cho yêu cầu chi và đòi hỏi ngày càng cao của đầu tư phát triển.
Vì vậy, Thanh Hóa rất mong Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
|
Tại hội thảo, các nhà khoa học và quản lý đều thống thất quan điểm Thanh Hóa có vị trí trọng yếu, giống như “yết hầu” của cả nước; có đầy đủ 5 loại hình giao thông; nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam; là nơi kết nối đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung bộ; Tây Tây Bắc và bắc Lào với biển; có Khu kinh tế Nghi Sơn với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất Việt Nam; một số cơ sở hạ tầng quan trọng đã được xây dựng, nhất là cảng biển nước sâu và cảng hàng không; tài nguyên thiên thiên phong phú; nhiều di sản văn hoá đặc sắc với với khát vọng phát triển nhanh và đột phá đang tạo ra nhiều thuận lợi cho Thanh Hoá trong kết nối phát triển với các địa phương khác trong nước và quốc tế; thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á dưới tác động của đại dịch Covid 19.
Là vùng đất hội đủ cả 3 vùng địa lý, Thanh Hoá đang có nhiều thuận lợi trong phát triển toàn diện các ngành kinh tế cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo 281-QĐ/TW triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, giao Ban Kinh tế T.Ư là cơ quan Thường trực phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Thanh Hoá triển khai xây dựng đề án là sự quan tâm hết sức đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là sẽ là một động lực, một không gian mới để Thanh Hóa tăng tốc phát triển trong tương lai.
Các đại biểu cũng cho rằng, sự phát triển nhanh và bền vững của Thanh Hoá sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước bởi vì, với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hoá sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách T.Ư một khi Thanh Hoá cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.
|
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, đánh giá cao những ý kiến đóng góp khoa học và rất thực tiễn của các nhà khoa học và các nhà quản lý. “Các tham luận đều cho thấy tiềm năng to lớn của Thanh Hóa, mà quan trọng những tiềm năng này không chỉ giúp Thanh Hóa có nền tảng để phát triển mà còn giúp Thanh Hóa có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực, đặc biệt là với an ninh quốc phòng của đất nước", ông Bình nói
Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn và đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển…, ông Bình đề nghị Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, hướng đến là một tỉnh công nghiệp.
Đặc biệt, đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, Thanh Hóa cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp này, tránh xuất thô, tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn cho tỉnh.
Ông Bình cũng cho rằng, với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của tỉnh.
Chiều 4.7, ông Nguyễn Văn Bình đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
“Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt” của Bác", Ông Bình nói.
|
Bình luận (0)