Thanh tra xây dựng 'bảo kê' vi phạm

31/07/2019 07:33 GMT+7

Chỉ trong khoảng 2 năm rưỡi có gần 7.000 công trình vi phạm xây dựng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này có thanh tra xây dựng "bảo kê".

Đó là thông tin Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cung cấp tại hội nghị xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn do UBND TP.HCM tổ chức ngày 30.7.

Vùng trũng cho tham nhũng, tiêu cực

Cần sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Các quận huyện, bí thư quận huyện chịu trách nhiệm với Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm với Thường trực UBND TP. Cần sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng, đề nghị cảnh sát khu vực phối hợp tại các quận huyện phường xã vào cuộc xử lý vi phạm xây dựng.
 
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.
Một lãnh đạo của Ban Nội chính Thành ủy cho biết, vi phạm nhiều nhất là việc xây dựng công trình không phép, sai phép. Thậm chí là ở các quận, huyện vùng ven như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), Bình Mỹ (Củ Chi), Đông Thạnh (Hóc Môn), Phú Hữu, Phước Long B (Q.9), Linh Trung, Tam Phú (Thủ Đức)… xây dựng không phép thành từng khu với hàng chục công trình.
Là địa bàn bùng nổ nhà xây sai phép, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, phân trần, hiện nay dân số của huyện tương đương dân số của một số tỉnh và đa số là dân nhập cư nên nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ 40 - 60 m2 rất cao. Tận dụng cơ hội đó, các đầu nậu đã gom đất, phân lô xây dựng bán nhà không phép, thu lợi nhuận cao. Thừa nhận tình trạng một số cán bộ địa chính chậm kiểm tra, thậm chí còn bao che dẫn đến vi phạm xây dựng nhiều, ông Trần Phú Lữ cho biết, thời gian qua huyện đã kiểm điểm, xử lý 105 cá nhân có liên quan, trong đó huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đối với 5 trường hợp tái vi phạm. Ông Lữ kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu thì cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều gia đình với nhiều thế hệ sinh sống nên nhu cầu ra riêng rất lớn. Nhưng vì đất nông nghiệp nên không được tách thửa, không được chuyển mục đích và không được cấp phép xây dựng thế là họ làm liều. Vi phạm xây dựng từ đó đã phát sinh.
Theo lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, lĩnh vực quản lý TTXD là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay. Hành vi tiêu cực, tham nhũng không chỉ xuất phát từ cán bộ quản lý TTXD, mà còn từ phía chủ công trình hoặc nhà thầu thi công. Họ thường dùng lợi ích vật chất để cán bộ quản lý TTXD bỏ qua hành vi xây dựng không phép, sai phép hoặc đề xuất xử lý mang tính chất “bỏ bớt”, “làm nhẹ” đối với hành vi sai phạm. “Thời gian qua đã có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc). Tuy nhiên chỉ có một trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp Nguyễn Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra xây dựng Nhà Bè, bị xử 1 năm tù về tội nhận hối lộ”, vị này cho hay.

Cấm xuất cảnh cá nhân vi phạm xây dựng ?

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đưa ra con số thống kê cho thấy, năm 2017 bình quân có 7,8 vụ vi phạm xây dựng/ngày, đến năm 2018 bình quân 6,6 vụ/ngày nhưng 6 tháng đầu năm 2019 bình quân 8,5 vụ/ngày. Như vậy, tình trạng xây dựng sai phép, không phép 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng hơn so với năm 2017 - 2018. Mới đây UBND TP có đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra thực tế tại một số quận huyện phát hiện một hộ ở xã Vĩnh Lộc A đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2, nhưng sau đó chia thành 125 căn nhà, với diện tích 1.181 m2. Một trường hợp khác ở xã Vĩnh Lộc B năm 2015 xin xây 3 căn, nhưng đến năm 2017 đã chia thành 19 căn. Một trường hợp khác cũng ở Bình Chánh xin xây 3 căn nhà nhưng sau đó “hô biến” thành chung cư với hơn 200 hộ dân đang ở.
“Một người làm cả chung cư hàng trăm hộ dân đang ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải là không biết. Kiểm tra ở xã Vĩnh Lộc B thì phát hiện việc tháo dỡ chủ yếu còn mang tính hình thức, dễ dẫn đến việc tái phạm, xây dựng lại bên trong”, Bí thư Nhân kết luận và chỉ đạo, từ nay trở đi, xây không phép, trái phép phải được xử lý ngay chứ không thể kéo dài. Bên cạnh đó, có cơ chế để đáp ứng nhà ở cho người dân có nhu cầu. Các quận huyện từ thực tiễn của mình kiến nghị rà soát nhà trọ; nâng cấp, chuẩn hóa lên. Dân có nhiều đất nông nghiệp thì cho chuyển đổi và chính họ có thể làm nhà trọ. "Cán bộ công chức đảng viên không được làm trái pháp luật, làm sai sẽ bị xử lý về mặt chính quyền, về Đảng. Không cho phép vào làm nhà nước để có thời gian có thu nhập bất hợp pháp", Bí thư Nhân kiên quyết.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu UBND các huyện - quận, xã - phường - thị trấn tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD theo các quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng. Sở Tư pháp đề xuất giải pháp không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm TTXD; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.