Buổi lễ ký kết có sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ GT-VT, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Tiền Giang - Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đây là hợp đồng thay thế hợp đồng tín dụng mà 4 ngân hàng gồm Vietinbank (đầu mối), BIDV, Agribank và VPBank đã ký kết với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trước năm 2018. Hợp đồng tín dụng này là sự tự nguyện tham gia sau quá trình đám phán giữa 4 ngân hàng trên và với doanh nghiệp dự án theo lộ trình thực hiện và phương án tài chính mà UBND tỉnh Tiền Giang ký ban hành tại Quyết định 2463/QĐ-UBND ngày 2.8.2019.
|
Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỉ đồng, trong đó: Vietinbank là 3.300 tỉ đồng, BIDV là 1.500 tỉ đồng, Agribank là 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 3.12, chủ đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã nhận được 1.390 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, 2.186 tỉ đồng theo hợp đồng đối tác công - tư PPP.
Tại buổi lễ ký kết hợp đồng tín dụng, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải ngân phần vốn ngân sách còn lại cho dự án để nhà đầu tư thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ hơn nữa.
“Như vậy các khó khăn, vướng mắt của Dự án đã căn bản được giải quyết và chúng tôi cam kết sẽ khẩn trương hơn nữa trong triển khai các kế hoạch đã được sự thống nhất giữa các bên có liên quan. Dự án sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, ông Đông nói.
|
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, khẳng định rằng sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Tiền Giang đối với công tác giải phóng mặt bằng, bám sát tiến độ triển khai dự án đã giúp doanh nghiệp dự án mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các cam kết mạnh mẽ, xóa đi những quan ngại về các rủi ro, vướng mắc tiềm ẩn trong quá trình “giải cứu” Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
“Mặc dù, thời gian hoàn thành dự án rất gấp gáp nhưng chúng ta không vì bệnh thành tích mà cần yêu cầu chất lượng dự án để khi đưa vào sử dụng xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ và vốn tín dụng của các ngân hàng đã tham gia cho dự án là đúng đắn và hiệu quả”, ông Hoàng khẳng định.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 3.400 tỉ và vốn vay 6.686 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng. Dự án có chiều dài hơn 51 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, H.Cái Bè. Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2009 và tái khởi động nhiều lần nhưng đều “đắp chiếu” do không có vốn. |
Bình luận (0)