Thị trường bất động sản sụt giảm

13/06/2018 18:21 GMT+7

Theo HoREA, thị trường bất động sản các tháng cuối năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng, vẫn giữ được ổn định và sẽ không xảy ra "bong bóng".

Ngày 13.6, trong báo cáo về thị trường bất động sản hơn 5 tháng đầu năm gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn, giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017.
Cơn sốt ảo giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả phân lô đất nông nghiệp trái phép xảy ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã quay trở lại từ cuối năm 2017 lên đến đỉnh điểm vào tháng 5.2018 với tâm điểm là tại Q.9, nhưng hiện nay đã được kiểm soát và hạ nhiệt. Cơn sốt này chỉ xảy ra cục bộ ở phân khúc đất nền phân lô, còn phân khúc căn hộ chung cư là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng sốt giá.
Trong hơn 5 tháng qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thống kê đã có gần 16.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 186.000 tỉ đồng, tăng 6,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm hơn 4% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 3.385 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh bất động sản, chiếm 20,5%.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM là 3,2 tỉ USD, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm 2017. Lĩnh vực bất động sản xếp thứ ba trong thu hút dòng vốn FDI.
Theo HoREA, thị trường bất động sản các tháng cuối năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng, vẫn giữ được ổn định và sẽ không xảy ra "bong bóng". Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Dự báo tình hình tranh chấp tại các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp, cần được kiểm soát và xử lý hiệu quả, kịp thời…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.