Thị trường xăng dầu: Người tiêu dùng 'gánh' hết

16/08/2019 07:43 GMT+7

Thuế, phí môi trường, quỹ bình ổn, định mức lãi 300 đồng/lít cho doanh nghiệp ... tất tần tật các loại chi phí người tiêu dùng đều phải gánh hết.

Theo các chuyên gia, nếu thị trường xăng dầu vẫn còn thiếu đi tính cạnh tranh, thiếu sự minh bạch thì người tiêu dùng vẫn luôn là người chịu thiệt.
Trong khi, ở các nước giá xăng lên xuống theo thị trường, mỗi doanh nghiệp (DN) đều phải tự thân vận động, cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng, thì ở VN theo Nghị định 83 của Chính phủ, DN có làm gì thì vẫn được tính định mức lợi nhuận 300 đồng/lít.
Việc của các DN kinh doanh xăng dầu chỉ phải tiết giảm chi phí kinh doanh và lợi nhuận cho các đại lý để có lãi nhiều hơn. Đó là chưa kể, với mỗi lít xăng hiện nay, người tiêu dùng cũng còn phải gánh thêm hàng chục loại thuế, phí lên tới 40 - 50% giá thành. Đặc biệt, tiền trong quỹ bình ổn giá cũng do họ đóng góp, coi như phải bỏ tiền túi ra ứng trước đề phòng khi giá biến động, mà họ cũng chẳng được lợi gì.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, câu chuyện tăng, giảm giá xăng dầu theo giá thế giới là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng và của nền kinh tế VN. Song những chi phí, lợi nhuận của ngành xăng dầu vẫn còn là dấu hỏi lớn khiến cho mỗi kỳ điều hành, giá xăng dầu tăng hay giảm người dân cũng đều có thắc mắc và tâm lý xáo trộn.
Liên quan đến giá cơ sở, Hiệp hội Xăng dầu VN cũng đã kiến nghị nên bỏ, không dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để DN tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ. Việc để DN được quyền quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Khi các DN cạnh tranh về giá sẽ có giá bán khác nhau giữa các thương nhân và chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, lấy ví dụ tại Hàn Quốc, sau khi Chính phủ tự do hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu đã tạo dựng được một thị trường cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ của pháp luật, giá xăng dầu bán lẻ đã tiệm cận giá thế giới.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, muốn thả giá xăng dầu theo thị trường cần phải phá bỏ được thế độc quyền trước. Bởi hiện Petrolimex đang chiếm trên 40% thị phần, mà còn độc quyền thì không có cạnh tranh, dẫn tới minh bạch không đầy đủ. Ông Phú đưa ra giải pháp, hiện nay nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đã đáp ứng được 70 - 80% nhu cầu xăng dầu trong nước, nên tăng cường sản xuất để dự trữ, cân đối thị trường xăng dầu trong nước khi giá cả biến động chứ không nên phụ thuộc vào giá của nước ngoài lên nhanh, giảm chậm. Nhà nước cũng nên bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, DN phải chấp nhận quy luật lời ăn lỗ chịu, không thể tồn tại chính sách bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng.
Theo các chuyên gia, xăng dầu là máu của nền kinh tế. Sự biến động của giá xăng dầu bao giờ cũng kéo theo sự biến động của nền kinh tế. Nhà nước bỏ tiền đầu tư, xây dựng các nhà máy lọc dầu, không ngoài mục đích tự chủ nguồn nhiên liệu, giảm giá thành nhiên liệu, không phải phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu thế giới, vốn luôn luôn biến động bất thường. Một khi đã tự chủ được nguồn nhiên liệu trong nước, người tiêu dùng trong nước phải được lợi, nền kinh tế phải được lợi do giá nhiên liệu ổn định. Việc này không thể chậm chễ mà cẩn phải sớm được thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.