Thiếu chế tài, khó 'xử' xe máy cũ

09/09/2020 08:20 GMT+7

Mục tiêu kiểm soát khí thải xe máy, tiến tới loại bỏ xe máy cũ, không đủ tiêu chuẩn khỏi hệ thống giao thông từng được Hà Nội và TP.HCM đặt ra nhiều lần trước đây, song đều chưa thực hiện được.

Thực tế, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề lớn đối với xã hội, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân. Đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong các TP. Do đó, rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến xe máy cứ “trình lên đặt xuống”, không ai dám quyết.
Tháng 1.2017, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 35 về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội, yêu cầu TP trước mắt rà soát và có cơ chế chính sách để xử lý các phương tiện xe máy quá niên hạn sử dụng, đảm bảo ATGT, giảm ô nhiễm môi trường. HĐND TP.Hà Nội năm 2017 cũng đã phê duyệt “đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau đó, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thu hồi xe mô tô, xe máy thông qua việc kiểm soát khí thải nhiều mức độ, như thu phí môi trường thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ; thu hồi, loại bỏ xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoặc mức phát thải môi trường vượt quá ngưỡng cho phép, không có các biện pháp khắc phục. Song đề xuất này sau đó đã được gác lại.
Với TP.HCM, từ năm 2012, Công an TP.HCM đã được UBND TP đồng ý cho nghiên cứu xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện). Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối từ dư luận, dự thảo này chưa kịp lên giấy đã “chết yểu”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định vấn đề lớn nhất của việc kiểm định, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là chưa có luật. Không có quy định thì không ai dám quyết, muốn làm gì cũng vướng. Người dân dù có được kiểm định miễn phí nhưng nếu không có chế tài, kiểm định xong “để đấy” thì họ cũng không mặn mà. Hiện nay, số lượng các trạm đăng kiểm nhiều hơn; trung tâm bảo trì, bảo hành của các hãng xe máy, đại lý, cửa hàng ủy quyền cũng đều có đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện kiểm định khí thải cho lượng lớn các phương tiện đang lưu hành.
Quan trọng nhất là cần xây dựng được lộ trình phù hợp, phân chia từng nhóm phương tiện thực hiện kiểm định trước/sau hợp lý, song song với việc tuyên truyền, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện để người dân đồng thuận.
Để tháo gỡ vướng mắc khó xử lý do thiếu chế tài, trao đổi với Thanh Niên trước đó, ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng phòng Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đề xuất mở rộng kiểm định khí thải với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.
“Sau khi luật được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ lộ trình cụ thể để triển khai công tác kiểm định khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Quá trình xây dựng lộ trình sẽ lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động để nhân dân có thời gian chuẩn bị, thích ứng đem lại hiệu quả về cải thiện chất lượng không khí tại các TP”, ông Khanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.