Theo khảo sát của Thanh Niên, tại hầu hết các chợ ở Hà Nội, thịt lợn tiêu thụ chậm hơn nhiều so với thịt gà, bò, cá... Đến gần 11 giờ trưa ngày 5.5, đa phần những sạp thịt lợn ở chợ Cầu Giấy vẫn ngồn ngộn.
Chị Đào Thị Hạnh (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) bán thịt ở chợ này cho biết, từ khi có dịch, chỉ dám lấy hàng bằng nửa bình thường mà vẫn ế.
Càng ở những khu phố trung tâm, thịt lợn càng bị chê mạnh. Cả tuần nay, vợ chồng anh Tuấn, chị Hương bán thịt lợn ở chợ Ngọc Khánh chuyển sang buôn cá biển đông lạnh.
Sáng sớm, hai vợ chồng đi xe máy ra chợ Long Biên lấy hàng mang về chợ bán. “Bán cá phải mổ, moi, không quen tay lắm nhưng không lẽ ở nhà vì cả tuần nay, thịt lợn ế ẩm khủng khiếp”, anh Tuấn vừa loay hoay cắt cá thu cho khách, phân trần.
Chị Đạo bán hàng tại chợ tạm tổ 17 Cầu Diễn thì than thở mấy ngày hôm nay, cả nhà chị đã ngán ngẩm đến tận cổ vì hôm nào cũng phải ăn thịt ế. Theo chị, nguyên nhân không gì khác là bởi người dân sợ mua phải thịt lợn bệnh (bệnh tai xanh - PV).
“Thịt lợn chết hay bệnh, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng biết ngay vì sẽ có mùi thuốc (do tiêm kháng sinh - PV), tái, lạnh (do tích trữ trong tủ lạnh lâu ngày), nhão mềm hoặc cứng ngắt, thớ thịt xỉn, rã. Còn nếu là thịt ngon, thớ thịt tươi hồng, dính kết, không bị tụ máu, không mềm nhão mà có độ dính tay vừa phải, không xuất huyết hay phù nề”, chị Đạo cho biết.
Hàng cơm ế ẩm!
Cả tuần nay, anh Phạm Văn Hùng (đội 6, Bá Giang, Đan Phượng) làm nghề giết mổ lợn ở lò mổ tư nhân trên đường K3 Cầu Diễn nghỉ ở nhà vì không có việc. Không có khách đặt mua, 4 trong số 7 đồ tể của lò mổ này phải nghỉ việc tạm thời.
“Tất cả các mối hàng đều lấy ít hàng hơn bình thường. Thậm chí 2 ngày nay, không một cú điện thoại nào gọi điện đặt hàng. Ngay cả khi khách đến tận nơi xem thấy lợn khỏe mạnh, không bệnh tật gì nhưng vẫn không chịu đặt hàng hoặc lấy ít đi vì tình hình bán tại chợ ế ẩm”, anh Hùng nói.
Tâm lý nghi ngại ăn thịt lợn còn xuất hiện ở những thực khách quán cơm bình dân. Anh Nguyên, chủ quán cơm Thảo Nguyên ở khu đô thị Mỹ Đình cho hay, từ khi có thông tin dịch tai xanh xuất hiện ở Hà Nội, có rất nhiều khách đến quán đều “cạch mặt” các món làm từ thịt lợn.
“Quán cơm bình dân chủ yếu bán các món chế biến từ thịt lợn thì giá mới bình dân. Nay khách tẩy chay như thế, chúng tôi cũng không biết phải đổi món như thế nào. Nếu thay bằng thịt bò, gà, hay cá thì giá thành cao lắm, kiểu gì khách cũng chê đắt”, chị Thảo vợ anh Nguyên phân bua.
Ngay cả những món ăn quen thuộc chế biến từ thịt lợn như nem, tiết canh, lòng... cũng không được chào đón như trước. Cửa hàng nem Phùng gia truyền bà Mấm nổi tiếng ở thị trấn Phùng (Đan Phượng) chuyên làm nem từ bì và thịt lợn cũng thưa khách hơn bình thường.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ do trời nắng nóng, người ta ít ăn nem. Nhưng hôm trước có mối quen bán bia báo lấy ít nem hơn bình thường, tôi mới biết người ta sợ ăn nem là do sợ lợn tai xanh”, bà Mấm cho hay.
Dịch lợn tai xanh không lây lan từ lợn sang người. Tuy vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn bệnh vì nếu vi khuẩn liên cầu ở lợn lây sang người có thể sẽ gây tử vong, và đây là nguyên nhân khiến nhiều người cực đoan từ bỏ thịt lợn... cho lành.
Trần Đan
Bình luận (0)