Thu hút đầu tư: 'Hút' từ quy hoạch đô thị

06/08/2019 09:00 GMT+7

Quy hoạch đô thị bền vững và thông minh được các chuyên gia đánh giá là một trong những yếu tố có thể “hút” nhà đầu tư chiến lược, công ty quốc tế tên tuổi đến Đà Nẵng…

Đánh giá lại hiệu quả

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, đánh giá, năm 1997 TP.Đà Nẵng chỉ có 5.600 ha không gian đô thị và chỉ phát triển về phía tây sông Hàn, thì đến năm 2017 TP đã có đến 20.000 ha và phát triển ra đến phía biển. Tuy nhiên, theo ông Tiến, có những lúc Đà Nẵng “đã say sưa trong phát triển” khiến nảy sinh nhiều bất cập trong xây dựng đô thị.
Với tác động cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén sẽ càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn, đô thị thông minh hơn

TS-KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN

“Thời gian triển khai các dự án còn chậm, nguyên nhân chính là do công tác điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất chưa sát thực tế. Lại phải đền bù giải tỏa khối lượng lớn, công tác đánh giá năng lực đầu tư và cân đối nguồn vốn chưa được chú trọng”, ông Tiến bình luận về công tác dự báo quy hoạch. Vì vậy, hiệu quả của dự án chưa cao, đến nay vẫn còn nhiều dự án lớn “đắp chiếu”, nằm chờ động thái của nhà đầu tư.
Chưa kể, một số đồ án có yêu cầu tổ chức cảnh quan còn sơ sài, chưa nghiên cứu kỹ, mới chỉ hướng tới cái đúng chứ chưa tìm tới cái đẹp… Đây là nguyên nhân làm cho tính hấp dẫn và giá trị thương mại sử dụng đất chưa cao, cần thiết phải xem xét lại. Để trở thành “TP toàn cầu”, ông Tiến cho rằng Đà Nẵng không đơn giản chỉ dừng lại ở việc xây dựng một số khu chung cư hoặc tòa nhà văn phòng, mà còn cần phải làm cho trung tâm TP sống động hơn, tiện nghi hơn với mật độ và sức sống từ ngày đến đêm được cân bằng. Đó phải là TP có chất lượng cuộc sống tốt cho người dân địa phương, lại có sức hấp dẫn và có khả năng thu hút được nhà đầu tư chiến lược, hấp dẫn các công ty quốc tế đến đầu tư sản xuất hay đặt trụ sở, quyến rũ cả du khách trong và ngoài nước…

“Bản sắc” đô thị nén

Để đạt được mục tiêu lớn này, câu chuyện cấu trúc đô thị nén được đặt ra đối với Đà Nẵng, để vừa tập trung vừa tiết kiệm quỹ đất. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp với cấu trúc đô thị nén, tôn tạo và hình thành cảnh quan hấp dẫn, tạo bản sắc đô thị…
Trong các tham luận gửi đến hội thảo 20 năm Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng với sự nghiệp quy hoạch TP vừa tổ chức hôm 2.8, nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng đề xuất, Đà Nẵng nên phát triển theo hướng đô thị nén. TS-KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN (VUPDA), trong tham luận “Đô thị nén - Giải pháp quy hoạch sử dụng đất hiệu quả cho TP.Đà Nẵng” đã gợi ý: TP.Đà Nẵng có thể xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển đô thị như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao… trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này. Ngoài ra, có thể áp dựng mô hình “đô thị nén/mật độ cao” hoặc khả năng điều chỉnh cao tầng theo mô hình TOD - một mô hình đã được nhiều nước áp dụng để phát triển đô thị, gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công.
Tuy nhiên, theo TS Quảng, TP.Đà Nẵng có thể chọn một số vị trí cụ thể như khu vực trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và ven biển trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị… nhưng phải được triển khai trên quan điểm bảo vệ, khai thác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị, đảm bảo các yêu cầu về an toàn bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng. “Với tác động cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén sẽ càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn, đô thị thông minh hơn”, TS Quảng nói.
TS-KTS Phùng Phú Phong, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng, thì gợi ý đã đến lúc TP.Đà Nẵng tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu, bền vững; trong đó phát triển văn hóa, văn minh đô thị là một nhiệm vụ cần quan tâm đặc biệt. “Cần xây dựng sớm các chính sách hỗ trợ, kêu gọi nhà đầu tư tham gia việc tái thiết khu vực đô thị trung tâm theo hướng đô thị nén, đô thị xanh”, TS Phong kiến nghị. Một số khu vực quy hoạch công viên nhỏ nên giao về UBND quận, huyện xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư

Học tập mô hình “Thành phố tự do”

 Trong tham luận “Quy hoạch phát triển Đà Nẵng theo hướng hiện đại, thông minh”, PGS-TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch VPUDA, phân tích rằng Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị bao hàm nội dung về du lịch cần phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao, đa dạng hóa các lĩnh vực đi kèm, cần mở ra một số đột phá (mở các tuyến bay quốc tế mới, nới lỏng cơ chế thị thực…).
Do đó, TP.Đà Nẵng có thể học tập mô hình “Thành phố quốc tế tự do” của Jeju (Hàn Quốc) với khẩu hiệu “không visa, không thuế”.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.