Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi EVFTA, Thủ tướng nhấn mạnh Hiệp định không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo hay hàng hóa kém chất lượng, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp nội tự nâng cấp chính mình.
Hội nghị triển khai thực thi các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) diễn ra sáng nay, 6.8, ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ vào hôm qua.
Lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, “đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức riêng một hội nghị có sự tham dự đầy đủ của tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương để thảo luận, quán triệt các giải pháp, cách thức triển khai một FTA một cách đồng bộ và toàn diện như vậy”.
“Đây là một điểm rất khác so với các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã có trước đây và vì vậy càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay”, tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh.
Để triển khai thực thi, ông Tuấn Anh cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp T.Ư và địa phương. “Đó là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn”, ông nói.
Cùng với đó, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, với việc tham gia các FTA thế hệ mới cùng những cam kết cao về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, Việt Nam cần phải nhanh chóng có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực.
Trong đó, đối với những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cần tiếp tục khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, cũng cần có những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra.
“Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng và củng cố các ngành sản xuất đủ năng lực để cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, từ đó đứng vững trên sân nhà và từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế”, ông Tuấn Anh bày tỏ.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng, do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.
Quản lý nhà nước cũng cần phải học hỏi
Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta vui mừng về Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực với những ước tính lạc quan về tăng trưởng, xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế thế giới, cả EU và cả Việt Nam, đang gặp khó khăn và đây mới chỉ là sự khởi đầu và không quên thừa nhận “chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về cách làm, chịu cả những vấp váp, thua thiệt để rồi tự đứng lên, tiếp tục tiến bước”.
“Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại mà Việt Nam cần khắc phục để tận dụng tốt hơn hiệu quả của hiệp định này. Một là nhận thức của các doanh nghiệp về EVFTA còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội còn khiêm tốn. Cùng với đó, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, chất lượng, quy mô sản xuất còn nhỏ.
Thứ hai, là không loại trừ do cơ chế chính sách của chúng ta còn chưa thông thoáng, còn tạo ra những rào cản vô hình đối với doanh nghiệp hay một phần do chính các doanh nghiệp của chúng ta đang còn thụ động, chưa thay đổi tư duy kinh doanh.
Thứ ba, theo Thủ tướng là làm thế sao để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao các doanh nghiệp bởi “đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh”.
“Tôi lưu ý là ngay cả cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước cần phải học hỏi, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng doanh nghiệp để cam kết trong FTA và EVFTA đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, yêu cầu về phát triển bền vững là nội dung quan trọng trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường… cũng như không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng.
Bình luận (0)