Thế nhưng, các doanh nghiệp thép lại kêu trời.
Nhiều dự án công bị ảnh hưởng
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính nhận định giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
|
Theo đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu (XK) mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.
Tuy nhiên trong công văn góp ý dự thảo, từ tổng hợp ý kiến của các DN thành viên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết kể từ đợt dịch bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 4 đến hiện tại, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng.
Vì vậy, công tác xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước đã giảm mạnh. Cụ thể, bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6 đã giảm 20% so với tháng 5 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ tăng trưởng thép cuộn cán nóng thì bán hàng nội địa giảm lần lượt là 28% và 22%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng của ngành thép gồm bán hàng trong nước tăng 18% và XK tăng 66% (nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng HRC) là kế thừa nỗ lực của ngành thép trong năm 2020. VSA nhấn mạnh: XK thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động của nhà máy, giữ vững phát triển kinh tế, mang lại nguồn doanh thu cho DN và đất nước trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“XK thép của Việt Nam đang là một trong những ngành thu hút nhiều ngoại tệ hằng năm cho đất nước (6 tháng năm 2021 thu về 4,9 tỉ USD và 6 tháng đầu năm 2020 thu được 6,1 tỉ USD), góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại và tăng kim ngạch XK, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động cả nước. Vì vậy, VSA và các nhà sản xuất thép Việt Nam kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế XK phôi thép (mã HS 72.06, 72.07)”, văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Thép Nghiêm Xuân Đa gửi Bộ Tài chính nêu.
Thép ngoại tràn vào Việt Nam?
Song song việc muốn tăng thuế XK phôi thép, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp giảm thuế nhập khẩu (NK) đối với một số loại sắt thép xây dựng. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất giảm thuế NK đối với thép cốt bê tông từ 20% xuống 15%; thuế NK với thép góc, khuôn, hình và thép có răng khía từ 15% xuống 10%; giảm thuế NK đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng từ mức 20% và 25% xuống còn 15%. Bộ Tài chính phân tích đây là những loại thép mà trong nước cũng đã sản xuất được và cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy các DN sản xuất trong nước đầu tư, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm thép NK, qua đó góp phần bình ổn thị trường trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.
Nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị không nên giảm thuế NK đối với các mặt hàng thép thành phẩm nêu trên bởi trong 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, ngay cả tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Việc điều chỉnh giảm thuế NK các mặt hàng thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu và XK một phần sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sản xuất của các DN trong nước vốn đang rất khó khăn. Hơn nữa, chính sách thuế xuất NK nói chung và thuế xuất NK thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành thép phát triển bền vững, chứ không phải là giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng thị trường tăng giảm nhất thời. Vì thế, cần có chính sách nhất quán để bảo vệ sản xuất trong nước.
VSA cũng cho rằng nguyên nhân giá thép tăng thời gian qua chủ yếu do nguồn nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mở luyện cốc, điện cực graphite... tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thép phụ thuộc đáng kể nguồn nguyên liệu NK. Các DN trong nước phải chấp nhận mua giá nguyên liệu cao để đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường. Giá bán ra cân đối theo thị trường thế giới nhưng giá thành không thể tăng tương ứng, “không cõng” được hết chi phí nguyên liệu.
Doanh nghiệp thép lãi lớn trong 6 tháng đầu năm
Bất chấp giải thích DN thép đang chịu nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục thì kết quả 6 tháng đầu năm nay nhiều công ty thép vẫn lãi lớn. Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen công bố ước lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế 8 tháng đầu niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ ngày 1.10.2020 - 31.5.2021) đạt 2.810 tỉ đồng, vượt xa gần gấp đôi kế hoạch lợi nhuận của cả niên độ tài chính đã đề ra là 1.500 tỉ đồng.
Đặc biệt, mức lợi nhuận trên của Tập đoàn Hoa Sen cũng bỏ xa con số đạt được là hơn 1.151 tỉ đồng của cả năm tài chính liền kề trước đó. Hay như Công ty CP thép Việt Ý nếu như 6 tháng đầu năm 2020 vẫn thua lỗ thì trong 6 tháng đầu năm nay báo lãi gần 74 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP đầu tư thương mại SMC công bố 6 tháng đầu năm nay lợi nhuận sau thuế gần 748 tỉ đồng, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình cho kết quả ấn tượng trên, SMC cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định, tuy nhiên giá cả liên tục tăng nhanh làm hiệu quả công ty tương ứng tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo năng suất trong sản xuất, gia công và tồn kho luôn ở mức cao, giá vốn thấp. Danh sách các công ty thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng còn khá nhiều như thép Nam Kim, Hòa Phát, Pomina, thép Tiến Lên...
Theo chuyên gia Ngô Trí Long: “Việc đưa ra chính sách thuế mới để giúp điều hành thị trường thép linh hoạt, ổn định hơn nhưng phải dựa vào số liệu thực tế. Riêng các DN cũng cần tăng cường sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro khi giá liên tục biến động”.
|
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng ở góc độ DN thì việc phản đối thay đổi chính sách thuế xuất nhập khẩu thép là dễ hiểu. Tuy nhiên ở góc độ quản lý để bình ổn thị trường thép trong nước, Bộ Tài chính cần phải làm việc cụ thể hơn với Bộ Công thương là cơ quan quản lý chuyên ngành.
Theo đó, phải làm rõ về số liệu cung cầu phôi thép và các loại thép xây dựng hiện nay. Đồng thời đưa ra dự báo giá sắt thép thế giới sẽ biến động ra sao cho đến hết năm và cả sang năm 2022. Thậm chí, các bộ phải đánh giá xem tình hình kinh doanh của DN thép trong nước thời gian qua lãi lớn là do hoạt động hiệu quả hay hưởng lợi chính từ giá thép tăng...
Giả sử phôi thép trong nước đang dư thừa thì không nên tăng thuế XK vì để DN gia tăng bán ra nước ngoài; còn ngược lại thì có thể tăng thuế để giữ hàng lại trong nước. Hay kết hợp dự báo giá thép sẽ sụt giảm thì khuyến khích XK khi giá đang cao.
Bình luận (0)