Các ngành nghề như may đo, cắt tóc, gội đầu, tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi da, internet, game... sẽ đóng thuế 7% từ 1.8 tới theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Hớt tóc đóng thuế ngang bằng viết phần mềm
11 giờ trưa ngày 15.6, chị Thanh, chủ tiệm cắt uốn tóc nhỏ nằm khiêm tốn trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân (P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM), ngồi chăm chú xem một phim bộ Hàn Quốc trên chiếc điện thoại thông minh màn hình bị bể một góc lớn, ngước mắt uể oải lắc đầu từ chối khi khách ghé gội đầu.
Chị Thanh chỉ vào những ghế gội, ghế xoay và máy hấp dầu, máy uốn tóc… đã được đẩy vào góc phòng, nói: “Không thấy đồ đạc phủ bụi à. Giãn cách mà làm tóc gì. Cả tháng nay chỉ có mì gói hết 2 bữa mỗi ngày”. Hai vợ chồng chị Thanh (chồng làm nghề sửa xe gắn máy) thuê mặt bằng trong hẻm này làm ăn đã hơn 3 năm nay với giá thuê 7 triệu đồng/tháng vừa ở vừa làm. Cuối năm 2019, vợ chồng dư sắm được chiếc xe máy giá 32 triệu, chở con chạy thẳng về quê Tây Ninh ăn tết. Nhưng dịch bùng lên từ tháng 2 năm ngoái khiến cuộc sống ngày càng khó khăn.
Sau tết, vợ chồng chị gửi con về quê, còn mình thì bám trụ lại TP. “Mà 3 tháng rồi chưa trả tiền thuê nhà. Hôm 28.5, chủ nhà tính đòi lại mặt bằng, rồi dịch bùng, họ tạm để yên. Bây giờ muốn bỏ hết về quê cũng không được. Tiền nhà chưa trả hết, về quê lại bị cách ly luôn...”, chị Thanh chán nản nói.
Tiệm may thời trang nữ trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình, TP.HCM) của chị Mi cũng chẳng khá hơn. Vừa là chủ, kiêm luôn thợ, chị Mi than hồi mới mở trước Tết Nguyên đán, khách đặt may lai rai cũng đủ sống nuôi con, trả tiền thuê mặt bằng 4 triệu đồng/tháng. Từ tháng 4 đến nay hàng may ra không có khách. “Khi chưa dịch, làm ăn nuôi một mẹ một con đã chật vật lắm rồi, tháng nào cũng đắp bên này, vá bên kia, nhất là khi con đến kỳ đóng tiền học. Cả tháng này hai má con ngồi nhìn nhau, chị may vá lai rai bọc ra nệm, áo gối cho vài khách hàng trong xóm, áo đầm không ai hỏi mua…”, chị Mi thở dài thườn thượt.
Những người như chị Thanh, chị Mi cho biết khi dịch chưa bùng phát tại TP.HCM, thu nhập của họ cũng chỉ vừa đủ sống với mức chi tiêu hạn hẹp. Thế nên đặt vấn đề đóng thuế theo quy định mới, với họ là chuyện quá xa vời, chẳng ai buồn nghĩ đến. “Ăn còn chưa đủ, thuế gì mà đóng”, chị Mi buông thõng.
Theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các dịch vụ như tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi da, internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Mức thuế này bằng với thuế suất các ngành như môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý; dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu. Đây là mức thuế suất cao đứng thứ 2 trong mục lục tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Với mức thuế này, những người hành nghề cắt tóc, gội đầu... cũng đóng thuế bằng với người có thu nhập từ viết phần mềm với doanh thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Còn nhớ hồi đầu năm, một cá nhân viết phần mềm trên Google Play và App Store có tổng thu nhập 300 tỉ đồng trong năm 2020, nộp thuế 23,4 tỉ đồng, tương đương thuế suất 7%.
Nên hoãn đến năm sau
PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng đúng luật thì có hoạt động kinh doanh là phải có đóng thuế. Cũng khó nói chung chung là nghề cắt tóc, gội đầu không đủ sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phong tỏa, giãn cách tại các tỉnh thành liên tục được áp dụng, các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là… bị tổn thương khá lớn.
Các ngành này hầu như bắt buộc phải ngưng hoạt động hoặc có hoạt động cầm chừng tại một số địa phương chưa bị ảnh hưởng vì dịch. Nếu cứ áp dụng thu thuế 7% (thuế GTGT và TNCN) ngay đầu tháng 8 với các đối tượng này trên cả nước thì chưa nên. Vì vậy, có thể tạm hoãn hết năm nay, sang năm 2022 tình hình dịch bớt hẳn rồi tính toán áp dụng. “Thất thoát từ nguồn thuế dịch vụ này không lớn lắm, không tác động đến ngân sách. Nguồn thu từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn mới quan trọng”, ông Độ nói.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa, cũng đồng tình với việc không nên thực hiện Thông tư 40 vào thời điểm dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến các cá nhân, hộ kinh doanh như hiện nay. Họ đã và đang phải đóng cửa hay hoạt động cầm chừng. Việc cần làm là không những giãn nộp thuế mà nên miễn thuế cho họ. Số lượng này khá lớn, tới vài triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà số thu lại không nhiều. Thông tư 40 quy định cụ thể hơn các đối tượng chịu thuế, nhưng người nộp thuế cần có những quy định thực thi công bằng là quan trọng nhất.
Trong cùng một tình huống là cho thuê nhà mà không nhất quán trong cách tính thuế. Luật Thuế GTGT, nghị định hướng dẫn luật Thuế GTGT đều quy định hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không chịu thuế. Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thống nhất với luật và nghị định: nếu trong năm dương lịch đó hộ, cá nhân kinh doanh cho thuê tài sản có doanh thu từ hoạt động cho thuê dưới 100 triệu đồng thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê tài sản. Điều này phù hợp với quan điểm thu nhập thấp thì không phải nộp thuế, tương tự như thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công. Thế nhưng Thông tư 40 thì tuy doanh thu thực tế dưới mức 100 triệu đồng nhưng doanh thu danh nghĩa trên 100 triệu đồng thì vẫn nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang
|
Bình luận (0)