Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 21.8 đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, mức thuế cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Công ty Nha Trang Sea Food đều hưởng thuế 0%. Ngoài ra, khoảng 30 doanh nghiệp tôm của Việt Nam là bị đơn tự nguyện cũng có mức thuế 0%.
Đây là tin vui cho ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp trong nước đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới cơ quan điều tra của Mỹ.
Thông tin tích cực này giúp cổ phiếu hầu hết các doanh nghiệp tôm, thủy sản trên sàn niêm yết đi lên vào sáng nay (22.8). Cổ phiếu FMC của Sao Ta tăng hơn 3% lên 31.000 đồng; Cổ phiếu MPC của Tập đoàn thủy sản Minh Phú tăng 3,6% lên 28.700 đồng; CMX của Công ty cổ phần Camimex Group tăng 3,6% lên 30.300 đồng; AAM của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong tăng 1,6% lên 13.000 đồng hay IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I tăng 2% lên 6.630 đồng…
Theo Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 7.2019 đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lần đầu tiên trong năm 2017 xuất khẩu tôm tăng trưởng dương. Giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng và nhu cầu thị trường đã sôi động hơn. Con tôm Việt xuất sang 8 thị trường chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Úc, Đài Loan đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, tôm xuất khẩu vào EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay.
Tính chung sau 7 tháng năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 68,2%, tôm sú chiếm 21,6% và còn lại là tôm biển. Trong đó xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 57%.
Bình luận (0)