Tiền điện tăng vọt trong tháng 5 vừa qua khiến người dân bất bình và nghi ngờ cách tính toán theo biểu giá điện lũy tiến hiện nay mà Tập đoàn điện lực VN (EVN) đang áp dụng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện lực cho rằng, sự bất bình của người dân không phải không có cơ sở.
Hóa đơn tiền điện của một hộ dân tháng trước và tháng sau chênh nhau gần 1 triệu đồng - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng 5 do nhân viên thu tiền điện gửi tới, chị Trần Thanh Hương (P.Khương Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) bần thần: “Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400.000 đồng, tháng này vọt lên hơn 1,8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không”.
Trường hợp tiền điện “nhảy vọt” như nhà chị Hương là khá phổ biến. Thậm chí có không ít hộ hóa đơn lên tới 3 - 5 triệu đồng. Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác, những người phản ánh hóa đơn tiền điện tăng đột biến rất nhiều mà chưa có một thống kê chính thức nào của ngành điện công bố về số lượng người dùng phải chi trả tiền điện lớn bất thường như vậy.
“Bậc thang” và... nắng nóng
|
Trả lời báo chí về hiện tượng trên, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nói trong những thời điểm nắng nóng từ đầu tháng 5 đến nay, mức tiêu thụ điện tăng đột biến, có thời điểm công suất điện huy động trên toàn hệ thống lên tới 25.000 MW như ngày 28.5.2015. “Nắng nóng có tính kỷ lục trong vòng mấy chục năm qua dẫn đến tiêu thụ điện năng trong tháng 5 tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu so với trung bình ngày trong tháng 4, tiêu thụ điện tháng 5 tăng 8%. Đặc biệt khu vực miền Bắc, sản lượng điện tiêu thụ bình quân tăng 17%, riêng Hà Nội tháng 5 tăng bình quân 28%”, ông Phúc nói.
Đại diện EVN Hà Nội thừa nhận tình trạng hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng rất cao trong tháng 5 nhưng cũng cho rằng do nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng mạnh, dẫn đến khi tính theo cách lũy tiến bậc thang thì tiền điện phải trả lớn hơn. “Giả sử tháng trước, một gia đình sử dụng trên 100 kWh điện, mức bậc thang cao nhất là 1.786 đồng/kWh, tổng chi phí phải trả là 300.000 đồng. Nhưng sang tháng sau (ví dụ tháng 5), chỉ số công tơ trên 400 kWh, giá cao nhất trong biểu giá là 2.587 đồng/kWh thì mức tiền trả khoảng 1 triệu đồng. Chỉ số điện năng tăng gần gấp đôi nhưng theo cách tính bậc thang thì số tiền phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần”, đại diện EVN Hà Nội giải thích với báo chí như vậy.
Cách tính ngược với thế giới
|
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng: “Về nguyên tắc, tiêu càng nhiều điện giá càng giảm nhưng ở ta dùng càng nhiều giá điện càng tăng, là ngược với thế giới. Lẽ ra doanh thu của anh cao thì anh phải hãm bớt lợi nhuận chứ anh lại tăng lợi nhuận cao quá là không được. Do đó EVN nên điều chỉnh lại biểu giá cho hợp lý, ví dụ như trên 200 kWh thì không nên tăng giá nữa mới hợp lý, còn anh tăng trên 2.500 đồng là không ổn. Cộng thêm việc đo, đếm sai thì người dân thiệt quá. Ngành điện các nước họ không để dân quá thiệt như vậy”.
Đáng chú ý, một cán bộ cấp trưởng ban từng làm việc tại EVN cho rằng vấn đề không chỉ ở biểu giá điện mà hiện nay còn ở cách đo đếm và thiết bị. “Cần phải xem lại độ tin cậy của hệ thống thiết bị đo đếm, sự đồng bộ của thiết bị ghi nhận chỉ số và một loạt vấn đề về dây dẫn, trạm… ảnh hưởng đến điện áp, mức độ tổn thất khi tiêu thụ. Bởi tất cả các yếu tố này đều có ảnh hưởng nhất định. Nếu dây dẫn, thiết bị không đồng bộ thì tổn thất điện lớn, thời tiết càng nóng thì tổn thất càng lớn”, ông này nói và khẳng định: “Chỉ cần sai số độ 5% thôi, số tiền điện của khách hàng cũng tăng đột biến theo chứ không chỉ ở biểu giá. Do đó, rất cần xem lại vấn đề đầu tư thiết bị đồng bộ”.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, việc tăng giá điện 7,5% từ ngày 16.3.2015 sẽ đưa doanh thu của EVN năm 2015 tăng thêm 13.000 tỉ đồng. Nhưng với thực tế mức tiêu thụ điện tăng rất cao những tháng cao điểm nắng nóng năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng mức thu của EVN còn cao hơn nữa. Bộ Công thương và EVN cần phải xem lại biểu giá điện với công thức tính lũy tiến để đảm bảo lợi ích cho người dân. Hiện nay công suất dự phòng vẫn có trên 4.000 MW, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân là thiết yếu nên không thể vì lý do hạn chế tiêu thụ, tiết kiệm điện để đặt mức giá lũy tiến quá cách biệt. Cách tính hiện nay là quá lợi cho EVN và quá thiệt cho người tiêu dùng.
|
Bình luận (0)