Trước khi là khách hàng lớn nhất Cocobay Đà Nẵng, tiến sĩ toán học Mai Huy Tân được biết đến với vai trò là nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt. Nay ông Tân làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức, đồng thời là khách hàng đầu tư lớn nhất vào dự án Cocobay Đà Nẵng dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức.
Ông Tân chia sẻ có quen biết với ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô), hay còn gọi là Tập đoàn Empire. Gần đây, sau khi ông Thành thông báo dừng chi trả lợi nhuận cam kết 12%/năm, ông Tân rất bức xúc về sự bội tín này.
Đẩy khách hàng thành con nợ quá hạn?
Nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt cho hay, tổng giá trị ông đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức đầu tư khoảng trên dưới 600 tỉ đồng, gồm: khoảng 200 tỉ đồng mua 8 căn biệt thự 5 sao ở khu Naman Retreat, với cam kết lợi nhuận là 10%/năm; khoảng hơn 400 tỉ đồng còn lại, ông Tân mua 24 căn Boutique Hotel và 10 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng (mỗi Boutique Hotel cao 7 tầng, có 20 phòng ngủ, 2 tầng kinh doanh), với cam kết lợi nhuận là 12,5%/năm. 10 căn condotel cam kết lợi nhuận là 12%/năm.
Ông Tân cho biết thêm, trong số 600 tỉ đồng đầu tư nói trên, có khoảng 400 tỉ đồng vay từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (Ngân hàng SHB), lãi suất vay lần lượt là hơn 8% (trong 18 tháng), giai đoạn sau là 10,4%/năm.
Trong đó, giá trị của khu biệt thự 5 sao ở khu Naman Retreat và Boutique Hotel là cao nhất, dao động từ 12 tỉ đến hơn 20 tỉ đồng/căn, căn hộ condotel từ 1,2 tỉ đến trên 1,4 tỉ đồng/căn.
“Công ty Thành Đô mới chi trả thu nhập cam kết cho chúng tôi tổng cộng 149,9 tỉ đồng là số tiền trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm 67,7 tỉ đồng như cam kết. Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty Thành Đô mới trả 14,5 tỉ đồng. Số còn lại chưa trả theo cam kết là khoảng 54 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền mà Công ty Thành Đô trả theo cam kết lợi nhuận, chúng tôi chưa động chạm đến hào nào đã phải trả cho Ngân hàng SHB bao gồm 74 tỉ đồng tiền nợ gốc và 76 tỉ đồng tiền lãi trong cả đợt", ông Tân cho biết.
|
Cũng theo ông Tân, theo điều khoản thống nhất tại hợp đồng, hạn trả lợi nhuận cam kết kỳ 1 của năm là trong vòng 1 tuần, kể từ 15.6 và kỳ 2 là trong 1 tuần, kể từ 25.12.
"Theo tiến độ này, Ngân hàng SHB muốn khách hàng chúng tôi trả đúng hạn tiền nợ gốc và lãi vào 26.6 và 26.12, nếu không sẽ chịu nợ quá hạn. Bây giờ Công ty Thành Đô bội tín, đẩy khách hàng của mình thành con nợ quá hạn. Tiền mua sản phẩm của Cocobay Đà Nẵng, tôi đã đóng đủ cả, còn Công ty Thành Đô lại phá vỡ cam kết đã thống nhất trước đó, khác nào định ăn quỵt, ăn cướp của nhà đầu tư”, ông Tân bức xúc.
Ngoài ra, theo nhà đầu tư lớn nhất của Cocobay Đà Nẵng, đến nay, sau 3 năm thanh toán đủ 100% tiền mua sản phẩm, ông Tân vẫn chưa nhận được 1 cuốn sổ đỏ nào trong số 42 bất động sản của mình tại Cocobay Đà Nẵng, trong khi lẽ ra việc cấp sổ đã phải thực hiện theo cam kết hợp đồng.
Ông Tân cũng lý giải lý do đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng lớn như vậy một phần vì tin tưởng ông Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô là chỗ quen biết lâu năm, một phần có ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, cũng chia sẻ là ngân hàng này bảo lãnh cho Công ty Thành Đô. Lúc đó, Ngân hàng SHB vừa là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.
Tiến sĩ toán học “bóc phốt” chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng
Theo ông Tân, tại dự án Cocobay Đà Nẵng, Công ty Thành Đô chỉ kinh doanh tệ ở khối condotel, nhưng lại đánh đồng không trả cam kết lợi nhuận cho cả khách hàng ở bên khu Naman Retreat và Boutique Hotel. Bên cạnh đó, sự thua lỗ của Công ty Thành Đô là đến từ nguyên nhân chủ quan, không thể đổ cho khách quan rồi tuyên bố chấm dứt trả thu nhập cam kết cho các chủ sở hữu. "Việc Công ty Thành Đô thua lỗ trong dự án Cocobay Đà Nẵng là do nhiều nguyên nhân. Họ giấu lỗi chủ quan, mà đổ lỗi cho nhà nước, cho chính sách là không đúng", ông Tân thẳng thắn.
Tiến sĩ toán học này lấy ví dụ, Công ty Thành Đô xây 7 tòa condotel tại Cocobay Đà Nẵng nhưng chỉ có 1 tòa đi vào hoạt động, 6 tòa bất động. Dòng tiền của 1 tòa hoạt động làm sao "cõng" được cho 7 tòa?
“Công ty Thành Đô đã sử dụng dòng tiền theo cách dàn trải, không tập trung khiến hiệu quả kém", ông Tân nói.
|
Sau khi dẫn một loạt nguồn thu và tiềm năng dòng tiền sinh lợi từ các dự án của công ty này, trong đó có Cocobay tại Đà Nẵng, ông Tân cho rằng chủ đầu tư đủ đảm bảo dòng tiền tốt để trả thu nhập cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư...
Ông Tân đặt câu hỏi: với số tài sản khổng lồ như thế, tại sao Công ty Thành Đô chọn cách đứng lên kinh doanh đàng hoàng và trả lợi nhuận cho khách hàng.
Về hướng giải quyết, ông Tân cho biết không muốn dồn người quen biết cũ vào con đường kiện cáo, vì chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng hoàn toàn có lối thoát trong danh dự, không bội tín với khách hàng, vẫn giữ được khối tài sản.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Công ty Thành Đô đã có thông báo dừng trả lợi nhuận theo cam kết 12%/năm cho khách hàng bắt đầu từ đầu năm 2020. Nguyên nhân không trả lợi nhuận theo cam kết là gặp khó khăn về dòng tiền.
Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định, từ nay đến trước 31.12 tới sẽ tiếp tục chi trả cam kết lợi nhuận cho các khách chưa nhận được tiền của năm 2019. Sau thời điểm này, sẽ tính theo lãi suất ngân hàng cho những khoản lợi nhuận chưa trả được.
Theo ông Thành, khách hàng chưa bị thiệt hại gì vì chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng vẫn hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho khách hàng trong suốt thời gian qua.
|
Bình luận (0)