Tiền trong thẻ ATM lại 'bốc hơi'

03/07/2018 05:17 GMT+7

Trộm hơn 200 triệu đồng trong vòng vài phút Liên tục xảy ra các vụ tiền trong thẻ ATM “bốc hơi” giữa đêm. Đã đến lúc ngân hàng cần xem lại công nghệ máy ATM cũng như quy trình xử lý các vụ việc mất tiền.

Sáng 27.6, vừa ngủ dậy, chị Duyên tá hỏa khi thấy điện thoại báo 7 tin nhắn về biến động tài khoản bị chuyển khoản và rút tiền. Tổng cộng 116 triệu đồng không còn trong tài khoản, trong đó có 2 lệnh rút tiền 20 triệu đồng, còn lại là chuyển khoản vào tài khoản của một số người khác. Các giao dịch được thực hiện vào khoảng 3 giờ 30 - 4 giờ sáng 27.6, tài khoản của chị chỉ còn lại 320.000 đồng. Trong buổi làm việc chiều 2.7, DongABank thông báo cho chị Duyên là sẽ có kết quả trả lời vào ngày 15.7.
Chị Duyên bức xúc: “Tôi không đồng ý vì đang kẹt tiền và yêu cầu ngân hàng (NH) trả lời kết quả trước ngày 9.7, tạm ứng 100% số tiền cho tôi. Tôi cũng hiểu và thông cảm NH cần thời gian kiểm tra các thông tin nhưng tôi nghĩ 2 tuần là được. Tôi khá lo lắng vì đang cần sử dụng số tiền này nên mới để tiền nhiều trên tài khoản như vậy, chứ không đã gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn”.
Theo chị Duyên, DongABank cho chị xem lại đoạn camera một người dáng nam, đội nón bảo hiểm có chữ Yamaha, phía trong có thêm một nón lưỡi trai, đeo khẩu trang, mắt kính. Người này thực hiện thao tác rút tiền, chuyển khoản tại 2 máy ATM của DongABank rất nhanh, trong quá trình thực hiện trên tay của người này cầm một tờ giấy A4 và gần như không ngẩng mặt lên nhìn màn hình.
Một sự trùng hợp, cùng thời điểm tài khoản chị Duyên bị rút tiền, tài khoản ATM chị Nguyễn Phương Thùy (TP.HCM) cũng bị mất tiền. Số tiền 85 triệu đồng trong tài khoản ATM DongABank của chị Thùy đã “bốc hơi” trong vòng vài phút. Chị Thùy nghi ngờ thông tin tài khoản thẻ ATM của mình bị lấy cắp vào ngày 25.6 khi chị rút tiền tại máy ATM DongABank trước Công ty Mercedes trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp. DongABank cuối tuần qua đề nghị tạm ứng một phần tiền cho chị Thùy nhưng do chị bị mất CMND nên đành chờ 30 ngày nữa (ngày 31.7) để NH trả lại số tiền trên hay không.
Khi nhắc lại việc xử lý tài khoản thẻ tín dụng bị kẻ gian sử dụng rút 70 triệu đồng, ông Tuấn (Q.7, TP.HCM) ta thán “nhớ đời”. Sự việc xảy ra vào tháng 12.2016, ông Tuấn bị mất thẻ tín dụng của ngân hàng T. và kẻ gian đã sử dụng thẻ tín dụng này rút tiền ở một điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng khác. Sau khi báo cho ngân hàng và công an, ông Tuấn phải đóng 70 triệu đồng vào tài khoản (do đây là thẻ tín dụng) và số tiền này được khoanh lại để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an. Đến cuối tháng 4.2017, công an có kết luận chính thức quy trình rút tiền tại máy POS là sai (POS chỉ được dùng thẻ thanh toán hàng hóa dịch vụ là chính) và đầu tháng 5, ngân hàng này mới giải tỏa số tiền trong tài khoản của ông Tuấn. “Thời gian giải quyết kéo dài đến gần 5 tháng, tôi mất nhiều thời gian đi lại cùng phối hợp với NH, công an. Bạn tôi cho biết ở nước ngoài, khi nhận được thông tin phản ánh của khách hàng, NH sẽ xác minh ngay và thực hiện trả tiền cho khách”, ông Tuấn nói.
Cần “sức ép” mạnh thay đổi công nghệ thẻ
Thủ đoạn cài đặt thiết bị sao chép thông tin trên các máy ATM để lấy cắp thông tin chủ thẻ (gọi là skimming) được phát hiện và nở rộ từ năm 2012. Vào thời điểm này, các NH trong nước nghiên cứu áp dụng các hệ thống báo động khi máy ATM bị xâm nhập từ bên ngoài về hệ thống trung tâm xử lý chung. Khi có những bất thường trên máy ATM, trung tâm sẽ phát hiện và có biện pháp xử lý. Thế nhưng đã 6 năm trôi qua, thị trường vẫn xuất hiện những trường hợp thẻ ATM bị đánh cắp thông tin và hậu quả là tiền trong tài khoản bốc hơi. Khách hàng dù có cảnh giác đến mấy cũng không thể nào tránh được nếu chẳng may đi rút tiền tại ATM bị cài thiết bị sao chép.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng việc kẻ gian đánh cắp thông tin khách hàng khi cài đặt các thiết bị tại máy ATM thì NH phải chịu trách nhiệm vì hệ thống công nghệ máy và thẻ ATM của NH có lỗ hổng khiến kẻ gian có thể đánh cắp dữ liệu. Hiện NH Nhà nước đưa ra lộ trình yêu cầu chậm nhất đến ngày 31.12.2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử), có độ an toàn cao hơn. Thế nhưng số lượng 136 triệu thẻ ATM trên thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là thẻ từ, dễ bị lấy cắp thông tin. "Phải có một “sức ép” rất lớn từ cạnh tranh, từ quy định của nhà nước thì các NH mới triển khai nhanh được, nếu không sẽ chẳng NH nào chịu đầu tư chi phí lớn cho việc chuyển đổi này", ông Đức nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.