Tiêu thụ điện tại TP.HCM lại phá kỷ lục

26/05/2021 09:20 GMT+7

Lượng điện tiêu thụ của thành phố trong một tuần (10 - 16.5.2021) tại TP.HCM đã đạt mức kỷ lục với 602 triệu kWh.

Thông tin vừa được Tổng công ty Điện lực TP.HCM cập nhật số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM.

Tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục

Biểu đồ 1: Lượng điện tiêu thụ bình quân 1 ngày và ngày cao nhất tính đến 16.5.2021

Biểu đồ 1: Lượng điện tiêu thụ bình quân 1 ngày và ngày cao nhất tính đến 16.5.2021

Đây là mức tiêu thụ điện đạt kỷ lục mới trong tuần, bằng 153% so với bình quân tuần trong tháng 2.2021. Lượng điện tiêu thụ bình quân 1 ngày của các tháng 3, 4, 5 vượt 40 - 46% so với tháng 2. Từ ngày 19.5 trở đi, theo EVNHCMC, trời đã mát hơn có mưa, giông nhiều nơi nên kỳ hóa đơn tháng 6 (tiêu thụ điện tháng 5) sẽ bắt đầu giảm như quy luật hằng năm.
Từ cuối tháng 4 đến nay, tiêu thụ điện tại TP.HCM liên tiếp phá kỷ lục. Trong các ngày 11, 12 và 14.5, lượng điện tiêu thụ của thành phố đạt lần lượt là 90,32 triệu kWh, 90,27 triệu kWh và 90,69 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay và vượt mức kỷ lục 90,038 triệu kWh được lập vào ngày 24.4.2019.
Việc tiêu thụ điện tăng cao khiến tiền điện các kỳ tháng 4, tháng 5 tăng cao so với kỳ tháng 3 (tiêu thụ trong tháng 2). Việc gia tăng tiêu thụ điện tương ứng với nhiệt độ mùa nắng nóng (biểu đồ 2) khi khách hàng sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng mạnh hơn.
Ngoài ra, việc tính giá điện nhảy bậc theo biểu giá điện hiện hành do Bộ Công thương ban hành theo Quyết định 648 ngày 20.3.2019 cũng khiến hóa đơn tiền điện càng tăng cao, nhất là các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kWh/tháng tăng lên trên 200 kWh/tháng ứng với các bậc 4 - 6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.
Biểu đồ 2: Lượng điện tiêu thụ tăng tương ứng với mức tăng nhiệt độ mùa nắng nóng

Biểu đồ 2: Lượng điện tiêu thụ tăng tương ứng với mức tăng nhiệt độ mùa nắng nóng

Máy lạnh có thể làm điện năng tiêu thụ tăng trên 200%

Theo TS Đinh Hoàng Bách, mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau của Trường đại học Tôn Đức Thắng thực hiện cho thấy, sau 8 giờ sử dụng máy lạnh, cùng cài đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20 độ C, nếu nhiệt độ môi trường là 30 độ C thì điện năng tiêu thụ là 6,46 kWh. Khi nhiệt độ môi trường là 35 độ C và 40 độ C thì lượng điện tiêu thụ tương ứng là, 8,51 kWh (tăng 31,7%) và 10,72 kWh (tăng 65,8%). Như vậy, nhiệt độ môi trường càng cao thì máy lạnh càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn.
Trường hợp nhiệt độ môi trường là 35 độ C, nếu đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20 độ C thì điện năng tiêu thụ là 8,51 kWh, tăng 139,64% so với khi đặt nhiệt độ máy lạnh ở 26 độ C có mức điện năng tiêu thụ là 3,55 kWh. Nếu duy trì độ lạnh sâu 20 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng rất nhiều so với duy trì ở mức 26 độ C.
Như vậy, khi nhiệt độ ngoài trời 30 độ C như các tháng mát trời và máy lạnh cài đặt ở 26 độ C theo các khuyến cáo thì điện năng tiêu thụ là 2,3 kWh. Khi nhiệt độ môi trường 35 độ C như những ngày nắng nóng và máy lạnh cài đặt ở 20 độ C như thói quen của nhiều người thì điện năng tiêu thụ tăng lên 8,51 kWh, mức tăng lên đến 369,44%.
"Trong những ngày nắng nóng, người dân sử dụng máy điều hòa với thời gian nhiều hơn và có xu hướng cài đặt nhiệt độ thấp để làm phòng mát nhanh hơn, tránh cái nóng của môi trường. Cộng với nhiệt độ môi trường cao đã tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy lạnh hoạt động nặng nề hơn nên lượng điện năng tiêu thụ gia tăng rất lớn. Điều này cũng xảy ra đối với tủ lạnh, có công suất thấp hơn nên mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn" - tiến sĩ Đinh Hoàng Bách, khoa Điện - Điện tử Trường đại học Tôn Đức Thắng cho biết.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC đánh giá, kết quả thực nghiệm trên mô hình đối chứng đã giúp hiểu rõ hơn nguyên nhân vì sao số lượng thiết bị điện trong gia đình không thay đổi hoặc thời gian sử dụng không đổi nhưng trong mùa nắng nóng lượng điện năng tiêu thụ lại tăng cao.
“Máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35-40 độ C, nhiều người có thói quen cài đặt máy lạnh tối đa 18 độ C thì mức tiêu thụ điện của máy lạnh có thể tăng đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 26 độ C. Điều đó dẫn đến tổng lượng điện năng tiêu thụ có thể tăng trên 200% so với các tháng trước đó. Thế nên, chúng tôi luôn khuyến cáo cài đặt máy lạnh ở 26 độ C để vừa đủ mát, vừa giúp tiết kiệm điện và chi phí tiền điện”, ông Kiên chia sẻ và cho biết hiện có hơn 1 triệu khách hàng tải App để theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.