Tiêu thụ nước sạch ở TP.HCM ít hơn khả năng cung cấp

25/11/2019 06:35 GMT+7

Sở Xây dựng vừa có báo cáo UBND TP.HCM về quản lý và phát triển cấp nước sạch ở TP.

Theo báo cáo, nguồn nước thô khai thác chủ yếu (đến 94%) từ mặt nước gồm lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, một phần nhỏ (6%) từ nguồn nước ngầm. Đối với nguồn nước mặt, Sở TN-MT thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước trên sông Sài Gòn - Đồng Nai 2 lần/tháng. Mẫu nước mặt lấy lúc đỉnh triều và chân triều thấp, được phân tích theo các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số khó khăn đối với nguồn nước như vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu khả năng dự phòng ứng phó với diễn biến của nguồn nước. Mặc dù cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn thường biến động theo chiều hướng xấu. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan... trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.
Ngoài ra, nguồn nước sông chịu tác động lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là chu kỳ tác động của hiện tượng El Nino khoảng 5 năm và hiện tượng triều cường, nước biển dâng dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô. Tiêu biểu như xâm nhập mặn, thiếu nước xảy ra vào mùa khô 2010, 2016 đã có những tác động trực tiếp đến các nhà máy nước. Một số nhà máy nước như Bình An, Tân Hiệp phải tạm ngưng lấy nước thô trong một thời điểm.
Các thông số của hệ thống cấp nước TP cho thấy tổng công suất thiết kế các nhà máy cấp nước hiện đạt khoảng 2,4 triệu m3/ngày trong khi lượng nước tiêu thụ của TP trung bình khoảng 1,9 triệu m3/ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn khai thác nguồn nước ngầm dưới mặt đất. Tỷ lệ thất thoát nước sạch của hệ thống cấp nước TP khoảng 22%.
Về mô hình quản lý, báo cáo cho biết việc cổ phần hóa một số công ty thành viên Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Nhà Bè, Thủ Đức, Phú Hòa Tân, Chợ Lớn, Bến Thành, Gia Định) nhằm mục đích thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực cấp nước. Tuy nhiên, tính từ thời điểm cổ phần hóa đến nay, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực cấp không cao. Đáng chú ý, năm 2015, UBND TP giao Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đầu tư và phát triển hệ thống cấp nước cho H.Củ Chi. Tuy nhiên, sau giai đoạn (2015 - 2017) đầu tư mạnh mẽ, hệ thống cấp nước bao phủ 12 xã và TT.Củ Chi, SII đã ngưng đầu tư và xin UBND TP cho giãn tiến độ phát triển hệ thống cấp nước. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch cấp nước của TP.
Mới đây, UBND TP đồng ý từ ngày 15.11 tăng giá nước sạch ở TP lộ trình năm 2019 - 2022, mỗi năm tăng trung bình 5 - 7%, tùy theo lượng nước sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.