Tiểu thương chợ An Đông chủ động đóng cửa, hẹn khách hết dịch gặp lại

23/05/2021 19:49 GMT+7

Khác với không khí đông đúc vào mỗi cuối tuần, hai ngày cuối tuần qua, nhiều quầy sạp tại chợ An Đông treo biển đóng cửa,hẹn khách quay lại khi "ngớt" dịch.

Sáng 23.5, sau hơn một ngày có Thông báo 416 của Văn phòng UBND TP.HCM kết luận ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về phòng, chống dịch Covid-19, hơn 90% quầy sạp bán giày dép, đồng hồ, túi xách... tại tầng trệt chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đều đồng loạt đóng cửa. Một số sạp “cẩn thận” hơn, dán ngoài cửa kéo tờ giấy, bên trên ghi: dịch bệnh tạm nghỉ vài ngày, liện hệ số điện thoại…, tạm nghỉ thời gian do tình hình dịch bệnh, tạm nghỉ bán – ngày 1.6 bán lại, dịch chuyển biến phức tạp, hẹn khách tháng 6 gặp lại...

Nhiều quầy sạp dán bảng tạm ngưng kinh doanh, hẹn khách quay lại vào đầu tháng sau

Tối 23.5: Thêm 76 ca Covid-19 trong nước tại Bắc Giang và Bắc Ninh

Còn dăm ba sạp mở bán thưa thớt cũng vì "có hẹn". Chị Nguyên, bán giày dép tại tầng 1 nói: “Vì có hẹn với khách nên ra mở cửa chờ, chứ ra chợ nếu có một F0 là "dính" cả loạt ngay. Sợ lắm!". Liên lạc qua điện thoại với một số quầy sạp nghỉ bán, chủ các quầy đều cho biết: Có 2 lý do đề tạm ngưng ra chợ lúc này là ngại dịch chưa được kiểm soát và chợ đang mùa quá ế, mở cửa bán không được. Chị Thu, bán điện thoại nói thêm: "Từ ngày 27.4 đến nay, chợ ế nhiều do thông tin dịch bệnh tái bùng phát từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung”.

Theo tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, sau hơn một năm dịch bệnh Covid-19, kinh doanh tại chợ phập phù nên việc tạm đóng cửa thêm tuần chờ dịch "lắng" lại cũng chấp nhận vì an toàn mới quan trọng

Một tiểu thương bán đồ mỹ nghệ tại chợ An Đông cho biết : "Không cần Ban quản lý chợ vận động như năm ngoái, cũng không còn tâm lý sợ nghỉ bán mất khách nữa. Tâm lý của tiểu thương nói chung là nghỉ cho nó lành".

Nhiều tiểu thương kiến nghị thành phố nên xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ để yên tâm mua bán kinh doanh trong mùa dịch, sau khi bớt giãn cách

Chị Trang, tiểu thương tại tầng 2 than thở : “Sang lại quầy bị lỗ, phá sản, hay tìm hướng làm ăn khác… trong một năm rưỡi qua tiểu thương đều làm hết rồi. Thế nên, lúc này quan trọng nhất là tuân thủ 5K, tự bảo vệ mình trước cộng đồng. Chợ là nơi quá đông người qua lại, nên chăng, dịp này, thành phố cho xét nghiệm mở rộng cho toàn bộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ. Có như vậy, mới tạo an toàn cho người bán lẫn người mua. Khi người bán không an tâm, người mua lại càng không dám đến chợ trong bối cảnh hiện nay. Cần sớm xét nghiệm mở rộng cho tiểu thương các chợ càng sớm càng tốt", chị Trang nói.

Thậm chí, để chợ hoạt động tương đối bình thường trở lại, trong tương lai gần, các tiểu thương kiến nghị nên đưa tiểu thương vào nhóm ưu tiên được tiêm ngừa để phòng chống dịch, nhằm giúp an toàn cho xã hội và ổn định làm ăn kinh doanh, đóng thuế

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, tiểu thương nên là thành phần trong nhóm ưu tiên tiêm ngừa dịch Covid-19 sớm, có thể trả tiền bằng hình thức đóng góp, vì thực tế cho thấy, khi các chợ có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm như thời gian qua, tâm lý người mua - người bán đều bất an.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.