Sáng 3.10, Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 đã khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị vừa ban hành đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP.
Ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Theo Bộ trưởng, đó chính là các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam. “Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn DN ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make in Vietnam và hình thành các DN công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu”, ông Hùng nhấn mạnh. Nghị quyết 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước: đẩy nhanh việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, bước 2 là sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực và bước 3 là tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Đặc biệt nhấn mạnh đến một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự, người đứng đầu Bộ TT-TT cho rằng, cả quản lý nhà nước và DN đều cần sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, cách tiếp cận.
Cần khung pháp lý, ưu đãi đặc thù
Là một trong những DN khởi nghiệp đang đầu tư sâu các công nghệ 4.0, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group - công ty sở hữu ứng dụng gọi xe công nghệ Be - cho biết rất vui mừng trước Nghị quyết 52 của Đảng. Be Group hiện được biết đến với vai trò là một start-up công nghệ thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực gọi xe với ứng dụng gọi xe "be". Đây cũng là một trong những star-up công nghệ đã đạt được những dấu ấn nhất định trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các ông lớn nước ngoài.
Be Group đang đầu tư nghiêm túc cho những nguồn lực để phát triển các ứng dụng, song theo ông Hải, nếu chiếu theo khung pháp lý hiện hành thì ứng dụng “be” sẽ bị chậm hơn so với các đối thủ nước ngoài. Vì vậy, cái DN rất cần hiện nay để cạnh tranh song phẳng là khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, ưu đãi đầu tư với các DN trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.
“Vai trò của Chính phủ là cực kỳ quan trọng để giúp thúc đẩy hiện thực hóa các định hướng này, và cũng để giúp Việt Nam có các DN lớn mạnh trong giai đoạn CMCN 4.0”, ông Hải nói.
Nhà sáng lập ra Be cũng đề nghị, Chính phủ cần có các chính sách kích thích đầu tư sâu và rộng các lĩnh vực cơ sở dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo. “Để hiện thực hóa được nghị quyết 52, đất nước chúng ta phải có đầy đủ nguồn lực về con người, làm nền tảng nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng toàn dân”, ông Hải cho biết và đề xuất, nên có các chính sách riêng thuế thu nhập cá nhân cho nhân sự các ngành hoặc các chính sách ưu đãi thuế cho các DN đang đầu tư sâu. Qua đó, có thể kêu gọi khối DN tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo và đầu tư vào các nền tảng công nghệ 4.0, chia sẻ hệ sinh thái để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội.
Hoan nghênh ý tưởng lập các sanbox của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi tiếp cận các dịch vụ mới thay vì cấm đoán, song DN sở hữu ứng dụng gọi xe này cũng cho rằng, cần có các chế tài khống chế về thị phần trong khuôn khổ sandbox. Tránh tình trạng một vài DN trong cơ chế thí điểm được lợi thế thành DN có thị phần to nhất, vì được hưởng các cơ chế pháp lý mở, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.
“Ví dụ cần nhanh chóng ban hành Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi để có khung pháp lý minh bạch hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải áp dụng công nghệ 4.0”, ông Hải nói.
Bình luận (0)