Khởi công từ giữa tháng 5.2020 và đặt mục tiêu hoàn thành trong tháng 9.2020 để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021- 2025 của Trung Nam bị coi là "không tưởng" bởi việc triển khai dự án lớn như vậy thường mất từ 3 - 5 năm. Thế nhưng, với quyết tâm cao độ, hơn 8.000 công nhân, kỹ sư  bất chấp điều kiện tự nhiên hiểm trở, tăng ca thi công cả ngày lẫn đêm không quản khó khăn. Và kỳ tích đã được xác lập. Chỉ trong vòng 6 tháng từ khi nhận quyết định đầu tư và 102 ngày đêm từ buổi lễ phát động chiến dịch đẩy nhanh tiến độ, ngày 12.10, dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220 – 500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á do tư nhân đầu tư đã chính thức khánh thành.

Chưa đầy 1 năm sau, ngày 16.4 vừa qua, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục khánh thành nhà máy điện gió có tổng công suất 48 MWp tại huyện Thuận Bắc. Nhà máy điện gió này kết hợp với dự án điện mặt trời khai thác trước đó hình thành nên 1 tổ hợp năng lượng tái tạo có tổng công suất trên 350 MWp, trở thành tổ hợp năng lượng lớn nhất Đông Nam Á và đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng nên ít ai biết rằng, năng lượng không phải là cú "rẽ trái" của Trung Nam. Từ cách đây gần 15 năm, Tập đoàn này đã tiên phong tham gia vào lĩnh vực thuỷ điện. Thừa nhận mình "liều", Tổng giám đốc Trung Nam Group – Nguyễn Tâm Tiến trong buổi trao đổi với Thanh Niên khẳng định, nếu không bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và dám liều thì doanh nghiệp không thể lớn mạnh được.

Đi tiên phong, thi công thần tốc, đầu tư các dự án "khủng"... nhiều ý kiến đánh giá “cú rẽ trái” của Trung Nam sang năng lượng đã thành công ngoạn mục, nhưng hình như ý kiến này chưa chuẩn... 

Đúng là chưa chuẩn bởi thực ra từ năm 2007, Trung Nam đã tham gia vào lĩnh vực năng lượng với Dự án thủy điện Đồng Nai 2. Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất do tư nhân đầu tư tại thời điểm đó. Nên nói chúng tôi là "tân binh" hay "rẽ trái" sang lĩnh vực năng lượng thì chưa chuẩn xác nhưng với lĩnh vực năng lượng tái tạo thì cũng đúng.

Đi tiên phong có lợi là ít cạnh tranh nhưng khó khăn thì cũng rất lớn vì chưa có kinh nghiệm, không lường hết những khó khăn, thách thức phải đối mặt... nhưng nếu doanh nghiệp đã chọn thì chắc là yếu tố thuận lợi phải lớn hơn, thưa ông ?

Thực ra, những lĩnh vực mà Trung Nam tham gia, không phải tất cả mình đều là người đi trước. Nhưng cơ hội trên thị trường thì ai đến trước được trước. Đôi khi, là người đến sau, chỉ còn “khúc xương” và phải chấp nhận, không còn sự lựa chọn. Quan điểm của chúng tôi là dù đến trước hay đến sau thì bằng tâm huyết, nỗ lực và đội ngũ của mình, phải làm sao biến “khúc xương” đó trở thành “món ngon”.

Trung Nam đã từng biến 1 “khúc xương” thành “món ngon” lần nào chưa ?

Đã từng và không chỉ một lần. Dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW kết hợp đường dây 500kV là một minh chứng điển hình. Trở thành nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của VN xây dựng, đưa trạm biến áp và đường dây 220/500KV hòa cùng lưới điện, giúp truyền tải điện cho các DN năng lượng tái tạo khác trên địa bàn Ninh Thuận, rất khó. Chưa kể, dự án rơi vào thời điểm gấp rút, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại VN sẽ hết hiệu lực sau ngày 31.12.2020, phải nói là cực “nguy hiểm”. UBND tỉnh Ninh Thuận trước đó cũng đã mời gọi đầu tư nhưng không có nhà đầu tư nào quan tâm vì họ thấy quá rủi ro. Các nhà đầu tư khác chùn bước vì sợ không kịp. Trung Nam cũng sợ nhưng chúng tôi đã bình tĩnh ngồi lại, phân loại dần từng thứ làm mình sợ, tập trung sức lực giải quyết nó. Kết quả đã được chứng minh, Trung Nam đã giải quyết được những khó khăn và lập kỳ tích về tiến độ, đóng điện sớm hơn 3 tháng so với thời hạn cam kết với Chính phủ.

Dám “nhảy vào” nhà máy 450 MW và trạm đường dây 220/500KV, tôi phải tự thừa nhận mình can đảm, dũng cảm và liều. Nhưng để liều được như vậy thì phải dựa vào tiềm lực công ty và khả năng kiểm soát. Chúng tôi tự tin vào tiềm lực tài chính, kiểm soát được quá trình nhập khẩu và vận chuyển vật liệu từ nước ngoài về, kiểm soát được tiến độ thi công, kiểm soát được thời gian giải phóng mặt bằng… định liệu được những rủi ro và kiểm soát chúng.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Công thương và EVN hỗ trợ Trung Nam rất nhiệt tình. Trong lĩnh vực năng lượng, truyền tải điện, EVN đã đi trước và kinh nghiệm hơn chúng tôi rất nhiều. Đồng thời, nếu chính quyền Ninh Thuận không lập ra tổ công tác để hỗ trợ cho dự án, người dân không đồng thuận thì rất khó vì việc giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng cho 1 vùng đất 700 ha không phải chuyện dễ. Vậy mà công tác này chỉ làm trong 45 ngày là hoàn thành. Đây cũng là 1 kỷ lục. Quá trình triển khai dự án rơi vào 2 lần Covid-19 bùng phát nhưng tỉnh Ninh Thuận rất quyết liệt trong vấn đề phòng chống dịch, cả dự án 7.000 người đều an toàn, không có 1 ca lây nhiễm nào. Đó là may mắn của chúng tôi.

Tóm lại, để hoàn thành được những dự án như vậy, cần tất cả yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Hầu hết các dự án của Trung Nam đều gây ấn tượng mạnh về tiến độ, đó có phải là triết lí kinh doanh của Trung Nam?

Đúng! Tốc độ là triết lý của Trung Nam. Sản phẩm làm ra đương nhiên phải tốt nhất, nhưng nếu thời gian không tốt nhất thì người khác đã phải mua sản phẩm ít tốt hơn để dùng rồi. Thời đại 4.0 hiện nay, ai làm nhanh nhất thì sẽ thắng và có cơ hội cạnh tranh được với DN nước ngoài. Ví như sản xuất xe điện, làm ra chiếc xe điện không khó nhưng ai giải quyết được nhanh nhất về mặt công nghệ, nhanh nhất về mặt tiếp thị và nhanh nhất truyền thông, chăm sóc khách hàng thì người đó sẽ thắng.  Tất nhiên, làm nhanh vẫn phải đảm bảo an toàn, chất lượng. Trung Nam lắp đặt 45 trụ gió không xảy ra bất cứ 1 sự cố nào dù nhỏ nhất về lao động. Về chất lượng, chúng tôi chọn những thiết bị của các DN nổi tiếng của thế giới như Siemens, Enercon, ABB…

Thực ra thì doanh nghiệp nào cũng muốn hoàn thành đúng tiến độ, trước tiến độ. Nó không chỉ là uy tín, đó cũng chính là hiệu quả kinh doanh, nhưng để làm được điều này đôi khi không phụ thuộc vào chủ quan của doanh nghiệp. Với Trung Nam, đâu là bí quyết ?

Con người!

Để 1 DN thành công, tiền không phải yếu tố tiên quyết. Tiền không có, có thể đi vay. Công nghệ ư? Có thể chuyển giao. Nhưng trong quá trình đó, con người, tinh thần và ý chí là quan trọng nhất.

Có những dự án, chúng tôi đặt ra khẩu hiệu “Chúng ta không còn đường lùi”, “Chúng ta sống hay là chết?”, “Không được phép sai vì không còn thời gian sửa sai”. Tất nhiên, công ty cũng khuyến khích tinh thần anh em bằng cách trích thưởng. Đơn cử như dự án điện mặt trời tại Thuận Nam, chúng tôi trích ra 40 tỉ đồng tiền thưởng, dự án tại Đắk Lắk đang trích ra 50 tỉ đồng, dự án ở Trà Vinh trích ra 20 tỉ đồng… thưởng cho tất cả anh em nếu đảm bảo an toàn và tiến độ. Về đích đúng hẹn nhưng mất an toàn thì cũng không được thưởng để tránh tình trạng bất chấp đoạt tiền thưởng.

Tiếp theo là công tác chuẩn bị. Công thức của tôi là tổ chức, điều hành và kiểm soát. Làm thật tốt 3 yếu tố này thì chắc chắn sẽ thành công. Trong quá trình làm, phải sát sao và chủ động. Tôi là Tổng giám đốc nhưng nắm thiết kế bản vẽ trong lòng bàn tay, đôi lúc còn tranh cãi kỹ thuật với các anh em kỹ sư, xử lý hết những vấn đề về kỹ thuật tại hiện trường để anh em có thể giải quyết nhanh mọi việc.

Tất nhiên như vậy cũng tạo ra áp lực rất lớn từ trên xuống dưới, từ anh em kỹ sư, kể cả tài xế. Người ta hay nói Tổng giám đốc thì 1 bước cũng lên máy bay đưa đón nhưng không phải. Tôi vẫn thường xuyên mua vé đi tàu lửa cùng đoàn anh em kỹ sư, không có tàu lửa thì tự đi xe hơi, chạy khắp Ninh Thuận, Trà Vinh, thậm chí di chuyển ban đêm để tiết kiệm thời gian. Tuần nào tôi cũng di chuyển liên tục từ Trà Vinh lên Đắk Lắk, xuống Ninh Thuận, ra Đà Nẵng, Hà Nội…

Đó là lí do bác sĩ yêu cầu phải nằm bất động để bó bột vì chấn thương nhưng ông vẫn làm việc ?

(cười) Không bó bột thì vẫn có thể bó bằng thun, kết hợp uống thuốc nhưng sẽ lâu khỏi hơn và phải chịu đau, chứ làm sao bỏ công việc nằm 1 chỗ được.

Rất tâm huyết khi thực hiện nhưng cũng nhanh chóng bán cổ phần khi một số dự án điện gió, điện mặt trời mới đi vào hoạt động, ông có thể cho biết, Trung Nam "lướt sóng" như thị trường đồn đoán hay Tập đoàn đã cạn vốn ?

Quan điểm kinh doanh, chiến lược, chiến thuật của Trung Nam thay đổi theo từng thời điểm. Muốn phát triển thêm các dự án khác thì phải có vốn đối ứng. Việc sang nhượng cổ phần là 1 hình thức để hình thành vốn, mở rộng kinh doanh. Như vậy, giá trị sẽ được nhân liên nhiều lần, thay vì “yên vị” với những dự án đã hoàn thành. Đó là lý do trên thế giới có những cuộc chuyển nhượng rất lớn, có thị trường chứng khoán và thị trường ngân hàng.

Còn về việc "cạn vốn" hay không, bạn có thể thấy Trung Nam luôn hoàn thiện các dự án, chứng minh tiềm lực của mình có thể làm được, sau đó mới tính đến chuyện sang nhượng cổ phần. Khi đó, “anh” mua tôi với tư cách là đối tác, là cơ hội tốt để anh đầu tư và phát triển chứ không phải kèo trên vào “cứu” tôi khi tôi đang kẹt vốn.

Ví dụ bạn mua 1 chiếc áo giá 2 triệu đồng, có 1 người quá thích chiếc áo như vậy nhưng không có thời gian để đi tìm mua, hoặc cũng không biết mua ở đâu và năn nỉ bạn bán lại chiếc áo đó với giá 3 – 4 triệu đồng, bạn có bán lại không? Bạn vẫn có thể giành thời gian đi mua chiếc áo khác giống vậy và còn lời thêm 1 – 2 triệu, chứ không phải kẹt tiền mới bán.

Sáp nhập, chuyển nhượng cổ phần, mua bán lại doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường trên thị trường kinh doanh, không chỉ tại VN mà trên thế giới. Đấy đơn giản là thay đổi chiến lược kinh doanh chứ không phải thể hiện mình đang kiệt sức, cần bán tháo. Hơn nữa, Trung Nam sẽ luôn giữ phần trăm cổ phần chi phối, điều hành mọi việc và lựa chọn những đối tác có tiềm lực tài chính tốt, minh bạch.

Nghĩa là Trung Nam đang có những dự án mới, kế hoạch mới?

Chúng tôi đang chuyển hướng sang bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua việc đầu tư Khu du lịch Bình Tiên (Ninh Thuận) quy mô 190,48ha, tổng vốn đầu tư 2.579 tỉ đồng. Về lĩnh vực năng lượng, trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành khoảng 600 MW điện gió, chạy đua với quyết định 39 về giá điện gió kết thúc vào 30.10 tới. Nhờ có dự tính, kế hoạch từ trước, chúng tôi đã đầu tư 150 triệu USD mua gần 100 thiết bị cẩu cùng thiết bị vận chuyển để đủ phục vụ các dự án điện gió trong năm nay cũng như tương lai.

Trong khoảng 5 – 7 năm tới, mục tiêu của Trung Nam là sẽ làm xong 7GW điện “sạch” (gồm cả điện gió và điện mặt trời). Song song, chúng tôi vẫn theo đuổi điện mặt trời trong thời gian chờ chính sách giá mới và theo đuổi các loại hình về năng lượng khác như LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng). Tương lai xa hơn, có thể chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng hoặc mua lại các nhà máy điện mặt trời, điện gió ở nước ngoài.

Hiện nay, Trung Nam cũng đang bắt đầu tham gia làm 1 mắt xích trong chuỗi sản xuất của các “ông lớn” trên thế giới thông qua lĩnh vực sản xuất mao mạch điện tử. Hiện chúng tôi mới có 1 nhà máy, đang xây dựng thêm 5 nhà máy với mục tiêu trong vài năm tới, doanh số của ngành này đối với Trung Nam sẽ đạt 1,5 tỉ USD. Bên cạnh đó, chúng tôi đang có kế hoạch tiến đến sản xuất công nghiệp dược phẩm qua các thị trường không quá khắt khe như châu Phi, châu Mỹ.

Từ giờ đến lúc đó, Trung Nam phải tích luỹ tài chính và kinh nghiệm để đảm bảo dù trong nước hay ngoài nước, DN vẫn luôn phải tạo cho mình nền tảng vững chắc, tiềm lực mạnh để duy trì sự ổn định trong hoạt động của mình.

Thực hiện: Hà Mai | Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
31.05.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.