TP.HCM đặt mục tiêu hơn 100 tỉ USD xuất khẩu

27/03/2021 06:18 GMT+7

TP.HCM đã đặt ra kế hoạch kim ngạch xuất khẩu gần 10 năm sau sẽ đạt 108 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9%/năm.

Xuất khẩu phần mềm, nội dung số tăng gấp đôi sau 5 năm

Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố (TP) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu (XK) của TP đạt 70 tỉ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỉ USD, gấp 2,5 lần so với kim ngạch 40 tỉ USD của năm 2020. Đáng chú ý, trong đề án này lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh đến hoạt động XK nhóm sản phẩm phần mềm, nội dung số. Trong năm 2020 vừa qua, kim ngạch XK sản phẩm phần mềm, nội dung số của TP.HCM ước tính đạt khoảng 5 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân tối thiểu của nhóm ngành này là 15%/năm thì dự báo đến năm 2025, kim ngạch XK sẽ tăng lên 10,1 tỉ USD và đến năm 2030 có thể đạt 20,3 tỉ USD. Đề án nêu rõ, bản chất ngành công nghiệp phần mềm - nội dung số tại TP.HCM hiện cũng có tính gia công. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của nhóm ngành này lên đến khoảng 65% giá trị XK.
Giá trị XK nhóm sản phẩm này của VN hiện nay chiếm chưa đến 1% quy mô thị trường thế giới (tổng giá trị gia công phần mềm của VN năm 2015 vào khoảng 2,5 tỉ USD - đánh giá của AT Kearney). VN vẫn là quốc gia có chi phí lao động gia công phần mềm thấp nhất thế giới, khoảng từ 18 - 25 USD/giờ lao động tùy theo vị trí (so với các nhóm nước đang phát triển ở khu vực châu Á là từ 18 - 40 USD/giờ, châu Mỹ Latin là 30 - 50 USD/giờ, châu Phi là 20 - 40 USD/giờ - theo đánh giá của Global Software Outsourcing Rates). Đề án nhấn mạnh: Phát triển XK phần mềm và sản phẩm nội dung số sẽ là thị trường tiềm năng với VN nói chung và đặc biệt là TP.HCM nói riêng bởi quy mô thị trường của ngành này là rất lớn.
TP.HCM đặt mục tiêu  hơn 100 tỉ USD xuất khẩu

Nguồn: Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Đồ họa: đông xuân

Hướng tới xuất khẩu công nghệ cao

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, định hướng thúc đẩy XK phần mềm, nội dung số là đúng vì đó sẽ là thế mạnh đi đầu trong công nghiệp số của thế giới. Hơn nữa, sản phẩm vô hình sẽ có thế mạnh và tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với sản phẩm hữu hình. Quan trọng nhất là TP.HCM phải làm thế nào để tạo ra được một hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp (DN) phát huy sức sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. TP.HCM đã có Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung nhưng thời gian gần đây không được đẩy mạnh nên vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế để khuyến khích mọi thành phần DN trong và ngoài nước đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đó cũng sẽ là thách thức lớn nhất của TP.HCM để thực hiện mục tiêu trên.
Năm 2020, XK của TP.HCM ước đạt 44,5 tỉ USD và tốc
độ tăng trưởng XK bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5%/năm.
Phân tích các nhóm ngành đang tăng trưởng cho thấy cơ khí và điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao nhất (22,5%/năm), và cũng là những ngành có hàm lượng công nghệ tương đối cao nhưng phụ thuộc lớn vào DN có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chủ yếu là gia công lắp ráp với linh kiện nhập từ nước ngoài.
Các nhóm ngành còn lại có tốc độ tăng trưởng tương đối đều là những ngành truyền thống của VN, có tính chất thâm dụng lao động bao gồm dệt may (5,27%/năm) và da giày (9,82%/năm)…
Còn ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, cho rằng phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ cao là hướng đi đúng theo xu hướng phát triển chung. Nhưng hiện TP.HCM vẫn chưa tỏ ra có nhiều lợi thế về lĩnh vực phần mềm hay dịch vụ số. Do đó, không chỉ nên gói gọn trong phần mềm hay nội dung số mà phải khuyến khích phát triển và XK công nghệ cao. Đó là nghiên cứu, phát triển về công nghệ sinh học, tự động hóa, robot, hệ thống IoT, trí tuệ nhân tạo trong y tế, nông nghiệp…
“TP.HCM trước hết cần phải có chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và xây dựng nguồn lực của mình, phát huy trí tuệ của thế hệ trẻ. Chẳng hạn mở ra những khóa đào tạo chuyên sâu ở các trường đại học. Nguồn nhân lực cho lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cao nên phải ưu tiên chính sách hỗ trợ. Sau đó là chuẩn bị cả về cơ sở hạ tầng liên quan... thì mới đi quảng bá, mời gọi cả DN trong và ngoài nước cùng tham gia để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao mang dấu ấn của TP.HCM. Từ đó sẽ thúc đẩy XK nhóm sản phẩm này tăng trưởng mạnh hơn”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.

Thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ

Ngoài việc thúc đẩy XK phần mềm, nội dung số, TP.HCM cũng đề ra mục tiêu thúc đẩy XK các dịch vụ như logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng. Bởi đây là các ngành động lực mới cho tăng trưởng XK trong dài hạn. Đồng thời TP sẽ chuyển dịch các nhóm ngành truyền thống thâm dụng lao động ra khu vực ngoại vi gồm: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cao su, hóa chất; đồng thời kết hợp đẩy nhanh ứng dụng tự động hóa để thay thế dần vai trò của lao động phổ thông. Để làm được điều này, TP sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các nhóm ngành xuất khẩu dịch vụ (tài chính, ngân hàng, logistics). Trong đó, việc hình thành một trung tâm tài chính có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch trong nước, khu vực và quốc tế cũng hoàn toàn tương thích với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ XK tại TP.HCM.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, phân tích: Cấu trúc kinh tế của TP đã chuyển hướng sang dịch vụ và các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việc thúc đẩy XK phần mềm hay công nghệ thông tin nói chung là phù hợp và TP có lợi thế như đội ngũ nhân sự có năng lực, trình độ khá tốt nhưng chi phí vẫn thấp hơn bình quân của thế giới. Hay việc hình thành trung tâm tài chính TP.HCM cũng là một hướng thúc đẩy XK dịch vụ. Có thể TP không thể cạnh tranh được với các trung tâm tài chính như Singapore, Hồng Kông nhưng có thể nghĩ đến việc XK dịch vụ này cho thị trường Lào, Campuchia. Còn với những ngành XK truyền thống như chế biến chế tạo, dệt may, da giày... thì dần dần phải được dịch chuyển sang những tỉnh thành lân cận vì cũng không còn là lợi thế của TP.HCM. Nhưng quan trọng nhất là làm sao để thúc đẩy đề án đạt được mục tiêu đề ra.

Thành phố chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm vô hình như công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ mới mong bứt phá được
trong thời gian tới

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, có nhiều giải pháp không phải là mới nhưng thời gian qua đã không được thực hiện tốt. Vì vậy, TP cần có quyết tâm, xây dựng cơ chế khuyến khích về thuế, về đất đai, về tiếp cận vốn giá rẻ như thế nào để DN phát huy sáng tạo và tham gia nhiều hơn trong hoạt động công nghệ nói chung. Nhưng lĩnh vực này gắn liền với nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, TP.HCM phải đặt hàng cụ thể với các trường đại học để thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực mang tính cạnh tranh với khu vực. Có thể đưa ra những tiêu chí như tỷ lệ bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đạt được các bài kiểm tra về năng lực theo yêu cầu thì TP sẽ hỗ trợ cho DN về cơ chế tài chính, ưu đãi. Song song đó, cần nghiên cứu cơ chế đặc thù riêng cho lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và XK những sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao để khuyến khích DN trong nước tham gia nhiều hơn.
“Thành phố chỉ tập trung XK sản phẩm vô hình như công nghệ thông tin, phần mềm, dịch vụ mới mong bứt phá được trong thời gian tới. Có những cái cần đặt ra lợi ích dài hạn. Chẳng hạn việc dịch chuyển cảng biển, những ngành truyền thống ra các tỉnh thành lân cận cũng là một hoạt động giải phóng không gian và chính sách để tập trung phát triển những ngành dịch vụ, sản phẩm vô hình có giá trị gia tăng cao hơn”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.