TP.HCM được gì khi Samsung chuyển đổi doanh nghiệp chế xuất?

09/09/2020 06:28 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi này phải sòng phẳng, chính quyền ưu đãi tốt cho doanh nghiệp và có quy định thu hồi ưu đãi nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết với chính quyền.

UBND TP.HCM vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (Samsung Electronics HCMC CE Complex Co., Ltd - SEHC) chuyển đổi sang doanh nghiệp (DN) chế xuất theo hình thức “DN chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong Khu công nghệ cao - KCNC”, với điều kiện Công ty SEHC đạt tỷ lệ giá trị xuất khẩu từ 90% trở lên.

Giúp Samsung xuất khẩu thuận tiện hơn

Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty SEHC tính đến thời điểm hiện tại là nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật; Cụ thể nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, thiết bị điện tử công nghệ cao, các sản phẩm phần mềm tiên tiến ứng dụng. Bên cạnh là các ngành phụ như sản xuất điện tử dân dụng; sửa chữa máy móc thiết bị; sản xuất điện tử gia dụng…
Trong khi mô hình DN chế xuất theo quy định phải nằm trong khu chế xuất, chuyên sản xuất hàng hóa tiêu dùng sử dụng cho mục đích xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. 100% hàng hóa do DN chế xuất sản xuất phải xuất khẩu ra nước ngoài và phải khai báo với cơ quan hải quan. DN chế xuất được miễn hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu khi nhập hàng hóa tạo tài sản cố định, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hoặc khi xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng cũng không áp dụng đối với DN chế xuất.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang, nhận xét đề xuất của TP.HCM cho phép Công ty SEHC sang DN chế xuất thực tế không gia tăng thêm ưu đãi cho DN bởi những ưu đãi mà Samsung đang hưởng tại Việt Nam với tư cách nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đang ở mức “kịch khung”.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang DN chế xuất cũng khiến DN thuận lợi hơn rất nhiều. "Quy định chung với DN chế xuất là 100% xuất khẩu. Ở đây, TP.HCM đề xuất cho phép SEHC đạt tỷ lệ xuất khẩu từ 90% trở đi cũng chính là ưu đãi và DN chế xuất không phải đóng thuế nhập khẩu nguyên liệu, không đóng thuế giá trị gia tăng. Tuy các DN gia công xuất hàng được hoàn các khoản thuế này, nhưng việc DN không phải đóng trước một khối tiền thuế lớn giúp giảm áp lực về tài chính cho DN có kim ngạch xuất khẩu lớn như Samsung là rất nhiều. Cứ giả sử 10% giá trị gia tăng của chục tỉ USD hàng xuất là 1 tỉ USD, DN không phải tạm đóng trước 1 tỉ USD sẽ bớt áp lực nhường nào”, luật sư Trần Xoa phân tích.
Về phía chính quyền TP.HCM, theo luật sư Trần Xoa, thu hút được con “đại bàng” Samsung đầu tư mở rộng thành công, đồng nghĩa với việc có cơ hội thu hút được thêm nhiều “chim sẻ” đi theo chuỗi cung ứng này. Đây cũng là cách TP.HCM cạnh tranh thu hút FDI với các địa phương khác bằng những lợi thế hạ tầng, nhân lực và cải cách vượt trội.
Trong kiến nghị, UBND TP.HCM cũng cho rằng việc chuyển đổi sang DN chế xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty SEHC đầu tư sản xuất xuất khẩu hiệu quả và hiệu suất cao hơn. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phụ trợ trong chuỗi cung ứng Samsung và các DN phụ trợ trên địa bàn nói chung đầu tư sản xuất kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

Cần có những cam kết cụ thể

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công Đại học Fullbright Việt Nam, lại đặt vấn đề: Phải rõ ràng hơn là đề xuất này mang lại lợi ích gì cho TP.HCM? Chúng ta được gì từ sự chuyển đổi này của DN và Samsung với việc được hưởng lợi cao nhất trong chính sách thu hút FDI sẽ đóng góp gì cho Việt Nam? Trả lời rõ, chi tiết được những câu hỏi này, việc đồng ý hay không đồng ý đề xuất trở nên đơn giản vô vùng.
Ông Anh Tuấn nói: “Mục tiêu trong thu hút đầu tư là tạo công ăn việc làm và thu ngân sách. Nếu Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi sang mô hình DN chế xuất, tăng thu thuế hầu như không có. Như vậy, DN chế xuất này giúp tạo ra cơ hội công ăn việc làm nhiều hơn cho người lao động ở TP.HCM hay không? Tất cả phải có cam kết, làm thế nào để thực hiện cam kết nếu như 5 năm sau khi được chuyển đổi, hưởng hết ưu đãi, DN dời nhà máy sang Ấn Độ vì nhìn thấy ở đó giá nhân công rẻ hơn, được ưu đãi hơn chẳng hạn. Thế nên cam kết ở đây có thể hiểu nôm na như khế ước giữa nhà đầu tư và chính quyền TP”.
Trong đó, chính quyền cam kết ưu đãi tốt nhất (đã có) và cho phép chuyển đổi DN chế biến, tạo mọi điều kiện thuận lợi… Vậy cuộc chơi phải sòng phẳng là nhà đầu tư phải cam kết với chính quyền cụ thể những gì. Giả sử lấy thời gian sau 5 năm, sẽ sử dụng bao nhiêu lao động cao cấp, bao nhiêu lao động phổ thông, bao nhiêu quản lý người Việt, mức lương tối thiểu, tối đa thế nào? Về chuỗi cung ứng, không dùng những câu nói chung chung là “tạo điều kiện cho DN nội tham gia” nữa mà phải cụ thể hóa bằng những con số, tỷ lệ phần trăm.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói rõ hơn: Trong thu hút FDI, không chỉ chuyện của Samsung mà với những FDI lớn khác đều vậy. Lúc này đây, Việt Nam tuyệt đối không dùng từ chung chung, phải có cam kết cụ thể với nhà đầu tư bằng những con số. DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng của Samsung chiếm bao nhiêu phần trăm, kế hoạch giúp phát triển công nghiệp phụ trợ của Samsung thế nào… Giả sử, nếu sau 5 năm nhà đầu tư không thực hiện đúng, hoàn thành những con số đã cam kết, chính quyền sẽ thu hồi ưu đãi, nhà đầu tư phải trả cho ngân sách số tiền được ưu đãi nhưng không thực hiện đúng cam kết…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.