Trái phiếu doanh nghiệp đang 'hút' tiền tiết kiệm

08/07/2020 11:46 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong 6 tháng đầu năm nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng TPDN, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Nếu loại trừ số lượng các ngân hàng đang nắm giữ tại ngày 31.3, lượng TPDN do các tổ chức, cá nhân nắm giữ là 385.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của ngân hàng Sacombank. Tổng lượng TPDN đang lưu hành ước khoảng 783.000 tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất.
Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp (mua bán lại) TPDN cũng sôi động hơn rất nhiều. Cụ thể như lượng TPDN niêm yết trên sàn Hà Nội đã tăng từ 14.200 tỉ đồng trong năm 2017 lên gần 36.000 tỉ đồng tính đến hết tháng 6.2020, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân 45%/năm. Thanh khoản thị trường đang cải thiện với giá trị giao dịch tăng trung bình 80%/năm từ 2017 đến nay nhưng hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn, bình quân khoảng 3.200 tỉ đồng/tháng. Không chỉ làm trung gian phân phối, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng đáng kể số mở mới và cả tài sản quản lý (TCBF, VTBF, BVBF, VNFVFB, VCBF-FIF…)
SSI nhận định, TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi. Trong 6 tháng đầu năm, nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân TPDN phát hành sơ cấp dao động từ 10,1% đến 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Lãi suất TPDN trên thị trường thứ cấp thường thấp hơn 2 - 2,5%/năm so với sơ cấp và nằm trong vùng 7,5% - 10,5%/năm.
Hiện lợi tức TPDN cao hơn 0,8 - 1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Thậm chí, nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương  mại lớn, lợi  tức TPDN có thể cao hơn từ 1,8 - 4%/năm tùy từng kỳ hạn. Yếu tố về kỳ hạn cũng được giải quyết với các cam kết từ phía các ngân hàng hay công ty chứng khoán sẽ mua lại hoặc làm trung gian thu xếp khi nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn.  
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận TPDN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua TPDN qua tài khoản chứng khoán, thậm chí chức năng này còn được tích hợp vào tài khoản ngân hàng điện tử tại một số ngân hàng. Các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân hay thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý…
Mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán / thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện tại, chưa có 1 đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, SSI cho rằng nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.