Ngày 21.8, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã xây dựng dự thảo tờ trình về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gửi Bộ GTVT, Bộ đang xem xét, trình Thủ tướng.
Hiện khối lượng thi công tổng thể toàn dự án metro số 1 đạt 56%, dự kiến 2020 đưa vào vận hành, tuy nhiên việc điều chỉnh vốn dự án từ hơn khoảng 17.388 tỉ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007, sau đó tăng lên 47.325 tỉ đồng, vẫn đang trong quá trình được xem xét phê duyệt theo đúng quy định về đầu tư.
Riêng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư chỉ hơn 26.000 tỉ đồng, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn xúc tiến thủ tục xây dựng, dự kiến điều chỉnh sẽ tăng lên khoảng gần 48.000 tỉ đồng. Nguyên nhân bị “đội” vốn, chủ yếu do thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…
Theo UBND TP.HCM, thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đô thị theo quy hoạch (dài 220 km), TP cần đến khoảng 25 tỉ USD để triển khai. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ mới có tuyến metro số 1 được xây dựng.
Trong hàng loạt kiến nghị mà TP.HCM nêu ra để tháo gỡ các khó khăn, có kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu cơ chế, chính sách đặt thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị, bởi các dự án này với đặc thù vốn đầu tư lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ tục dự án phải trình duyệt qua nhiều cấp có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Bình luận (0)