Không đơn giản
|
Thế nhưng, chỉ cách đây ít tháng, lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 (Quảng Ninh) phải cầu cứu khi bãi thải tro xỉ gần chạm ngưỡng chịu tải, sắp phải ngừng hoạt động. Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thập, Phó giám đốc nhà máy, cho biết: “Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi CFB, khi đốt than tro bay có màu đỏ, nếu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng sẽ không bán được vì sản phẩm sẽ có màu sắc khác thường. Chính vì vậy lượng tro xỉ của nhà máy chúng tôi rất khó giải phóng... Năm 2017 có 3 doanh nghiệp thu mua nhưng từ đầu năm 2018 không thu mua nữa”.
Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, công suất 1.080 MW, mỗi năm tiêu thụ 3 triệu tấn than và thải ra 1 triệu tấn tro xỉ. Nhà máy này đi vào hoạt động năm 2015, đầu tháng 4.2018 thì rơi vào tình trạng trên. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được hiện tại tro xỉ ở đây đã có đầu ra trở lại. Nhưng lãnh đạo nhà máy vẫn xin đất để làm bãi thải số 2.
Tro xỉ và ô nhiễm cũng đang là vấn nạn với Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, lo ngại lớn nhất ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân chính là tro xỉ than do nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Bình quân mỗi năm Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân thải khoảng 3,8 triệu tấn tro xỉ. Nếu không có giải pháp tiêu thụ tro xỉ thì rất nguy hiểm đến môi trường.
UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị sớm ban hành các tiêu chuẩn để dùng tro xỉ san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, làm kè biển và làm vật liệu xây dựng. Thế nhưng hiện các bộ, ngành vẫn chưa ban hành nên việc tiêu thụ tro xỉ vẫn chưa được triển khai.
Công bố tiêu chuẩn cụ thể để người dân giám sát
|
“Ví dụ có tiêu chuẩn kỹ thuật VN dùng tro xỉ để san lấp, làm gạch không nung nhưng không ban hành công thức kèm theo phải trộn bao nhiêu phần trăm chất phụ gia, bao nhiêu phần trăm tro xỉ thì vẫn không thể áp dụng được. Năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị phải sớm ban hành các tiêu chuẩn này để tiêu thụ tro xỉ nhưng đến nay vẫn chưa có gì, như thế là rất chậm. Lượng tro xỉ ở Vĩnh Tân ngày càng tồn đọng nhiều như thế rất nguy hiểm, đe dọa và dễ xảy ra sự cố môi trường”, ông Cảnh nói.
Theo các chuyên gia, đối với tro xỉ, tro xỉ mức độ nguy hại ra sao phụ thuộc nguyên liệu đầu vào là than. Nhưng do nguồn than chủ yếu là nhập khẩu nên rất khó kiểm soát về chất lượng đầu vào vì nguồn nhập không chỉ từ nhiều quốc gia mà ngay cả cùng một quốc gia nhưng các mỏ than khác nhau cũng khó kiểm soát. Một yếu tố quan trọng nữa là công nghệ lò đốt. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu các công nghệ lò đốt triệt để “siêu” siêu tới hạn (thuật ngữ chuyên môn thường dùng là công nghệ “trên siêu tới hạn” - PV) thì thành phần vật liệu này có thể tái chế tái sử dụng, các vật liệu trong san lấp, vật liệu xây dựng.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), nhận định: Công nghệ điện than siêu tới hạn ở VN mới có một nhà máy ở Vĩnh Tân (Bình Thuận). Nếu ở miền Bắc có giải pháp tro xỉ thì Nhiệt điện Mông Dương không phải kêu cứu vì bãi xỉ đầy có nguy cơ dừng hoạt động.
Nói thêm về công nghệ lò đốt, bà Khanh giải thích: Thành phần hóa chất của tro xỉ hầu như không thay đổi với các công nghệ lò hơi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà có nói kiểm soát hoàn toàn vấn đề trong than nhập khẩu cũng như tro xỉ, vậy bộ hãy công bố thành phần chất hóa học trong tro xỉ để cộng đồng giám sát xem có an toàn khi dùng san lấp? Bộ cũng hãy công bố thành phần hóa học cụ thể để sử dụng tro xỉ để làm đường, làm vật liệu, san lấp... Công chúng cũng muốn biết thực tế có bao nhiêu nhà máy đã lắp đặt, đã vận hành nghiêm chỉnh các thiết bị xử lý bụi, SO2, Nox.
Hiện có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) chưa có “đầu ra” đang là mối lo ngại cho các cấp chính quyền địa phương. Bài toán tiêu thụ tro xỉ than vẫn chưa có lời giải dù Vĩnh Tân 2 đã hoạt động 3 năm. Các nhà máy khác cũng sắp hoạt động chính thức, chắc chắn là vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường liên quan xỉ than. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. “Vì vậy đề nghị tỉnh và các bộ ngành phải có giải pháp quyết liệt để giải quyết đầu ra cho tro xỉ than như đã cam kết”, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong, nói.
|
Hủy quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 1.11, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 416/TB-VPCP ngày 29.10 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về chủ trương điều chỉnh chuyển đổi mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân theo kiến nghị của Ninh Thuận. Mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi cần tính toán khoa học và phải bảo đảm hiệu quả. Cân nhắc việc sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo là thế mạnh của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công thương hủy Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17.6.2015 về quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong tháng 11.2018. Thủ tướng giao tỉnh Ninh Thuận lập Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, bao gồm các phương án, kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án; giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các bộ, cơ quan liên quan thẩm định đề án, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.12.2018 để xem xét, quyết định. Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500 kV và 220 kV trong giai đoạn đến năm 2020 theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 30.8.2018 của Chính phủ; kịp thời báo cáo Thủ tướng những khó khăn vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trong tháng 11.2018...
Thiện Nhân
|
Bình luận (0)