Cụ thể, thông báo từ một số công ty chứng khoán như VPBS, MBS… cho biết ngoài phí giao dịch do chính công ty chứng khoán quy định, nhà đầu tư sẽ đóng bổ sung phí để trả cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Thông tư 127/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Các mức phí phải trả này bao gồm phí hợp đồng tương lai chỉ số là 3.000 đồng/hợp đồng (mua hay bán đều phải đóng phí); hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là 5.000 đồng/hợp đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải trả phí dịch vụ quản lý vị thế là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày và phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là 0,003%/giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ/tài khoản/tháng (tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng/tháng và tối đa không quá 2 triệu đồng/tháng).
tin liên quan
Công ty chứng khoán 'đua' miễn phí giao dịch phái sinhNgoài việc bổ sung phí giao dịch chứng khoán phái sinh, Thông tư 127/2018 của Chính phủ cũng quy định giá dịch vụ quản lý đối với thành viên giao dịch phái sinh là 20 triệu đồng/năm; Giá dịch vụ quản lý thành viên bù trừ là 30 triệu đồng/năm với thành viên bù trừ…
Trong khi đó, một số công ty chứng khoán để thu hút nhà đầu tư đã miễn phí giao dịch chứng khoán phái sinh dài hạn như VPBS miễn phí hết trong năm nay, công ty chứng khoán ACBS và Mirae Asset Việt Nam miễn phí đến hết ngày 31.3…
Thị trường phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 10.8.2017. Năm 2018, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 19,6 triệu hợp đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 78.791 hợp đồng/phiên, gấp 7 lần so với năm 2017.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục được mở mới. Tính đến cuối năm 2018, có 57.677 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng gấp 3, 4 lần so với cuối năm 2017. Hoạt động giao dịch tập trung ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,18% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Bình luận (0)