Masan không xuất khẩu trực tiếp sang Nhật (!?)
Ngày 2.4, thông tin trên Cổng thông tin của TP.Osaka (Nhật Bản), Trung tâm y tế cộng đồng thành phố này đã ra lệnh thu hồi 18.168 chai tương ớt (757 thùng) mang nhãn hiệu Chin-su được cho là nhập khẩu từ VN.
Lý do các sản phẩm có chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic...) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật. Điều này vi phạm điều 11 khoản 2 luật Vệ sinh thực phẩm. Luật này quy định rõ chất axit benzoic (E210) không được sử dụng trong sản phẩm tương ớt ở Nhật.
tin liên quan
Masan Consumer nói không bán tương ớt trực tiếp cho đối tác ở NhậtTuy nhiên, ngay sau khi truyền thông trong nước đưa tin sản phẩm bị thu hồi, chiều hôm qua (6.4), đại diện truyền thông của Tập đoàn Masan, bà Vũ Thị Thu Thủy thông tin đến báo chí rằng, sản phẩm của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật VN và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia. Với thông tin hơn 18.000 chai tương ớt mang nhãn hiệu Chin-su bị thu hồi tại Nhật, Masan Consumer cho rằng nhà nhập khẩu đã thiếu sót khi ghi nhãn. Và với hàm lượng axit benzoic được kiểm tra trên sản phẩm tương ớt Chin-su này từ 0,41 - 0,45 mg/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản.
“Hiện chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường: Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan... Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ chúng tôi khẳng định Masan Consumer chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”, đại diện Masan Consumer thông tin và cho biết hiện công ty không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường VN, trên đó ghi rõ “dành riêng cho thị trường VN. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.
Người Nhật bảo chất cấm, VN cho phép dùng
Theo hình ảnh được cung cấp trên Cổng thông tin của TP.Osaka, vỏ chai tương ớt ghi toàn chữ tiếng Việt. Nhãn phụ được dán vào mặt sau chai tương được viết bằng tiếng Nhật. Tại TP.HCM, sản phẩm tương ớt Chin-su dựng trong chai nhựa đỏ giống sản phẩm bán tại thị trường Nhật có mặt tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi... Nhãn sau chai tương ghi thành phần gồm nước, đường, ớt 110 mg/kg, muối và 16 chất bảo quản lẫn điều vị: tinh bột biến tính (1422), tỏi, cà chua cô đặc, dextroza, maltodextrin, chất điều vị (621, 620, 635), chất điều chỉnh độ axit (260, 330), chất ổn định (415), chất bảo quản (211, 202), gia vị hỗn hợp, chất tạo ngọt tổng hợp (950, 951), hương tổng hợp, màu thực phẩm (110, 124), chất chống ô xy hóa (223, 221, 300), bột wasabi. Chất 210 không thấy ghi trên nhãn hàng.
tin liên quan
Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật BảnBác sĩ Trần Văn Ký, chuyên gia của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, thông tin, chất axit benzoic là chất chống mốc, đưa vào trong thực phẩm nhằm chống mốc. Danh mục các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng có chất này. Tuy nhiên, bác sĩ Ký nhấn mạnh: trong công nghiệp thực phẩm, nhà sản xuất thường dùng muối natri của axit benzoic là natri benzoat để bảo quản, chống mốc cho sản phẩm. Hàm lượng bao nhiêu có quy định, song quan trọng là cho áp dụng với sản phẩm nào. Cục An toàn thực phẩm đang xem loại phụ gia nói trên có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không, sẽ làm rõ để trả lời công luận.
Tuy nhiên bác sĩ Ký nói thêm, theo ông nhớ có thể chưa chính xác, trong 15 nhóm thực phẩm có quy định giới hạn sử dụng chất axit benzoic tối đa cho phép theo tỷ lệ mg/kg sản phẩm thì không thấy có nhóm tương ớt. Các nhóm thực phẩm được sử dụng chất E210 có sữa lên men, hoa quả ngâm giấm, nước giải khát, nước đóng chai, nước chấm, cà phê, chè, rượu vang, thủy hải sản...
“Thực sự là làm về an toàn thực phẩm, chúng tôi rất ngại những cụm từ “sản phẩm dành riêng cho thị trường VN”. Có một cái gì đó như là sự phân biệt đối xử đối với thị trường kiểu “con nhà nghèo” hơn là một điều gì đó cao sang dành đặc biệt cho thị trường này. Thế nên, khi nhà sản xuất nói rằng, có thể sản phẩm dành riêng cho thị trường VN, nhưng lại bị thu hồi tại Nhật Bản, người tiêu dùng Việt hiểu rằng, mình đang bị đối xử một cách khác biệt nào đó. Một chất bảo quản mà thị trường các nước phát triển cấm, nhưng VN cho phép cũng cần nên coi lại”, bác sĩ Trần Văn Ký chia sẻ.
Bộ Y tế sẽ kiểm tra sự việcTrao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết trong trường hợp xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm (sản phẩm vi phạm bị phát hiện, thu hồi…) dù là do nước ngoài sản xuất được VN nhập khẩu hay là sản phẩm của VN xuất khẩu vẫn được Cục tiếp nhận qua thông tin cảnh báo chính thức của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN). Với các thông tin lan truyền về sản phẩm tương ớt nhãn hiệu Chin-su được cho là Công ty Masan, VN bị thu hồi tại Nhật Bản hiện Cục chưa nhận được cảnh báo chính thức từ INFOSAN. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chủ động kiểm tra về sự việc này và có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy”, ông Phong khẳng định.
Về thông tin cho rằng, axit benzoic là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chin-su tại Nhật Bản, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc Cục An toàn thực phẩm, cho biết axit benzoic khi sử dụng trong bảo quản thực phẩm là dạng muối (natri benzoat). Đây là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản được sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và VN đều là thành viên của ủy ban này. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này cũng như các phục gia thực phẩm trong danh mục phải tuân thủ đúng quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm. Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép natri benzoat có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày, nôn, buồn nôn... cho người sử dụng.
Liên Châu
|
Bình luận (0)