Nguy cơ phá sản diện rộng
Trước hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã đưa ra những dự báo xấu trong kinh doanh. Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ đã khảo sát thực tế tại một số DN, thu thập ý kiến hội viên và gửi kiến nghị đến lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, cho rằng các DN bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ kéo theo sự khó khăn của các DN trong các ngành khác, kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, người lao động bị mất việc…
|
Ông Hùng nhận định, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ, sắp đến DN có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng. Hiện các DN nằm trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp có doanh số giảm mạnh, thậm chí có DN giảm về xấp xỉ bằng 0. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), cũng nhìn nhận mức độ tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Sau du lịch thì công nghiệp, xây dựng của Đà Nẵng có thể là ngành bị tác động thứ 2. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo của Đà Nẵng năm 2019 đã gặp khó (tăng trưởng thấp hơn năm 2018); dệt may, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là những ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của TP trong khi đầu vào nguyên liệu nhập không ít từ Trung Quốc (TQ).
Nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt trong quý 2, một số DN công nghiệp của Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng máy móc, thiết bị linh kiện từ TQ không nhập được cũng khiến công trình triển khai không đúng tiến độ… Theo ông Quang, một số DN trong nước gặp khó khăn “kép”, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm.
Cải thiện môi trường đầu tư
VCCI Đà Nẵng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng DN thì chính quyền cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ. Đơn cử, đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng, lĩnh vực thụ hưởng, mức giảm… để các ngân hàng thương mại và DN có thể vận dụng ngay văn bản số 541/NHNN-TD ngày 4.2.2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cục thuế các địa phương giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho các DN xuất khẩu (giúp bổ sung dòng tiền); nghiên cứu giảm thuế đất, chi phí thuê mặt bằng, đất đai cho DN; các khu, cụm công nghiệp nên có chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng…
Nhiều kiến nghị đề xuất với Sở LĐ-TB-XH và BHXH liên quan đến khâu thủ tục như hỗ trợ người lao động nhận các chế độ, chính sách thất nghiệp; chuẩn bị đào tạo lại cho các lao động mất việc… Bên cạnh đó, VCCI Đà Nẵng còn đề nghị triển khai chương trình phổ biến các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tư vấn cho các DN tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có FTAs của Việt Nam để dần thay thế, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ.
Ngày 24.2, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa có văn bản giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai kế hoạch đa dạng hóa thị trường, cơ cấu lại nguồn khách, triển khai các sản phẩm dịch vụ mới như các khu mua sắm miễn thuế, hoạt động giải trí về đêm…
Doanh nghiệp “tự cứu mình”Ngoài tháo gỡ từ phía Chính phủ về chủ trương chậm nộp BHXH đối với các DN trong nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, ông Hà Đức Hùng (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng) cũng đề nghị các DN cần có tâm thế chủ động khắc phục khó khăn, tự cứu mình trước; tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường TQ.
|
Bình luận (0)