Vàng có thể vượt 50 triệu/lượng, nhiều người tiếc đứt ruột

22/02/2020 11:57 GMT+7

Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ lỡ mất 2 con sóng của vàng kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội khi các chuyên gia dự báo giá vàng hoàn toàn có thể chạm mốc 2.000 USD/ounce .

Tăng phi mã, vượt đỉnh 7 năm

Tất nhiên để chạm được vùng đỉnh 2.000 USD/ounce, vàng sẽ phải vượt qua thử thách ngắn hạn 1.750 USD/ounce. Nhưng trước đó, vàng đã có một đà tăng ngắn hạn phi mã. Một tuần, từ ngày 17.2 đến 21.2 nó đã tăng gần 5%. Nếu so với mức giá 1.563 USD/ounce vào ngày 1.8.2013 thì mức giá 1.646 USD/ounce đóng cửa tuần qua ghi nhận vàng đã phá đỉnh 7 năm.
Do hiệu ứng từ thế giới, giá vàng trong nước tuần qua đã tăng vọt từ 44 triệu đồng/lượng lên 45,8 triệu đồng/lượng (tương đương hơn 4%). Nếu so với mức giá đóng cửa khoảng 42 triệu đồng/lượng vào ngày 31.12.2019, giá vàng hiện tăng gần 9%. Mức lợi nhuận 9% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng khiến nhiều nhà đầu tư tiếc đứt ruột.
“Ngày vía Thần Tài năm nay giá vàng khoảng 44 triệu đồng/lượng. Khi đó tôi cứ sợ cao quá không dám mua nhiều. Không ngờ giờ đã lên gần 46 triệu đồng/lượng rồi”, bác Nguyễn Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếc rẻ.
Ngay từ đầu năm, anh Nguyễn Văn Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) cũng đã xác định năm nay sẽ là cơ hội rất lớn của vàng. Nguyên nhân là do bất ổn chính trị thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn khó khăn, cùng với đó là dịch bệnh Covid-19. Nhưng anh Tuấn cũng không thể dự báo được vàng thế giới vượt 1.600 USD nhanh như vậy. “Tôi đã bỏ lỡ mất con sóng lớn của vàng. Quá đáng tiếc”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến vàng tăng phi mã do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Mỹ vì lo ngại sự bùng phát của Covid-19 sẽ làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu. “Dịch bệnh từ Covid-19 đang bắt đầu gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã giảm lần đầu tiên vào tháng 2 kể từ năm 2013”, ông Nick Nicky Shiels, một "chiến lược gia" tại Bank of Nova Scotia (Canada) cho biết.
Sự bùng phát của dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc, trong đó Hàn Quốc đã vượt qua con số 200, Nhật Bản 105, Singapore là 85 người nhiễm bệnh. Theo một khảo sát của Bloomberg về dự báo kinh tế, khoảng 10/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà phân tích hiện đang mong đợi ngân sách được nới lỏng hơn. Ngân hàng Commonwealth Úc dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm hai lần lãi suất trong nửa cuối năm 2020 do Covid-19 đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Nhà đầu tư mua vàng tại Hà Nội ngày vía Thần Tài

Ảnh Ngọc Thắng

Cơ hội nếu giữ dài hạn

Các tổ chức, quỹ đầu tư lớn trên thế giới dự báo về tiềm năng thực sự của vàng trong nhiều tháng. Phân tích kỹ thuật cho thấy vàng sẽ tăng trên 1.650 USD/ounce khá nhanh, sau đó có thể điều chỉnh một chút trước khi tiếp tục tiến đến mục tiêu cao hơn 1.750 USD/ounce.
“Một điều mà các nhà giao dịch phải xem xét là nỗi sợ dài hạn đang tăng lên trên thị trường. Nhiều thương nhân lo ngại về nền kinh tế toàn cầu với Covid-19 gây lo ngại kinh tế trên khắp châu Á, Nhật Bản và châu Âu. Chúng tôi tin rằng nỗi sợ hãi này sẽ đẩy kim loại quý liên tục cao hơn trong 24 tháng tới với mục tiêu tăng giá thực sự trên 2.100 USD/ounce cuối cùng”, Chris Vermeulen – người sáng lập Hệ thống giao dịch thuật toán AlgoTrades, chuyên gia giao dịch về vàng nhận định.
Nếu vàng thế giới lên tới khoảng 2.000 USD/ounce, giá vàng trong nước sẽ lên trên 50 triệu đồng/lượng. Tất nhiên, trong ngắn hạn, do tăng quá nóng trong vòng 1-2 tuần qua, kim loại quý này có thể sẽ cần thời gian điều chỉnh, tích luỹ mới có thể tăng tiếp. Khi mà dịch Covid-19 còn chưa được kiểm soát, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn ở Trung Đông… thì đây là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư muốn giữ vàng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.