Những biến động căng thẳng xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) dự báo sẽ làm cho giá vàng tăng vào đầu tuần nhưng điều đó đã không xảy ra. Các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý đến những thông tin liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sau khi thông tin kinh tế của 2 nước này tăng trưởng không được tốt.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6% trong quý 3, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3.1992 tới nay. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 xuống mức 6,1% và năm 2020 xuống 5,8% do xung đột thương mại và nhu cầu trong nước yếu kém. Một số thông tin kinh tế của Trung Quốc không được khả quan như xuất khẩu giảm, sản lượng công nghiệp tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ 2002, doanh số bán lẻ chậm lại, luồng vốn chảy ra ngoài Trung Quốc tăng kỷ lục… Moody’s dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể tiếp tục nới lỏng các điều kiện tín dụng, trong đó có việc hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế trong thời gian tới.
Riêng đối với Mỹ, các nhà đầu tư đang quan sát xem khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giảm lãi suất trong tháng này hay không. Thị trường dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, tỷ lệ các nhà đầu tư dự báo lãi suất giảm vào cuối tháng này, từ mức 95% xuống còn 68%. Trong tuần qua, USD giảm giá khá mạnh so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index còn 97,3 điểm vào sáng 21.10, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Thông thường USD giảm giá sẽ khiến vàng tăng nhưng trong thời gian gần đây, cả hai cùng biến động theo một chiều.
Giá vàng trong nước giảm nhẹ 20.000 - 50.000 đồng/lượng so với giá cuối tuần qua, giá mua tại Tập đoàn Doji còn 41,5 triệu đồng/lượng, bán ra 41,7 - 41,72 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm giá mua còn 41,48 triệu đồng/lượng, bán ra giữ giá 41,75 - 41,77 triệu đồng/lượng…
Bình luận (0)