Báo cáo về tình hình nhập khẩu, chiều 9.3, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Cục Thú y cho rằng, đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt heo chiếm 13.816 tấn, khoảng 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt cắt miếng, chân giò, xương... từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)... Hiện Việt Nam nhập khẩu thịt từ các nước đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 3 - 21%.
Về tình hình sản xuất trong nước, thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, dịch lở mồm long móng hiện còn ở 8 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp); dịch tả heo châu Phi phát sinh thêm 24 ổ dịch với 19.472 con bị mắc bệnh và tiêu hủy, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính đến hết ngày 2.3, tổng đàn heo cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so thời điểm trước khi có dịch (khoảng 31 triệu con vào tháng 12.2018).
|
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã ký thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước. Theo đó, doanh nghiệp từ 19 nước này, khi được Bộ NN-PTNT cho phép, sẽ được xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam. Nhằm bình ổn, cân đối thị trường, Cục Xuất nhập khẩu chiều 9.3 cũng cho hay, Bộ Công thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt heo.
Bình luận (0)